(NLĐO) – Đồng Tháp xác định du lịch nông nghiệp là loại hình mang lại nhiều lợi ích phát triển cho người dân. Cách làm này, không chỉ giúp nông dân bảo vệ môi trường, mà còn phát huy những nét văn hóa độc đáo của tỉnh. Sự phát triển du lịch nông nghiệp còn giúp kéo dài chuỗi giá trị, gia tăng giá trị nông sản, tạo thêm việc làm ở nông thôn, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Loại hình du lịch nông nghiệp ở Đồng Tháp xuất phát điểm trễ hơn so với các địa phương trong khu vực ĐBSCL, nhưng có sức lan tỏa, gặt hái được nhiều kết quả hết sức quan trọng.

Khi nhắc đến du lịch nông nghiệp ở Đồng Tháp, phải kể đến Làng hoa Sa Đéc vốn nổi tiếng cả nước, là vựa hoa kiểng lớn nhất ĐBSCL. Để tạo sức hút với du khách, TP Sa Đéc tích cực vận động các hộ dân trên tuyến đường hoa cùng tham gia xây dựng và phát triển mô hình du lịch cộng đồng. 

Đồng thời, vận động các hộ kinh doanh hoa kiểng đầu tư, nâng cấp cơ sở; khuyến khích các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đầu tư khai thác dịch vụ kết hợp tham quan du lịch, như: xây dựng Đài quan sát làng hoa; cánh đồng hoa; cầu cảnh với không gian độc đáo, mới lạ thu hút nhiều lượt khách đến tham quan, trải nghiệm, chụp ảnh. 

Đáng chú ý, phải kể đến khung cảnh trên tuyến đường hoa Cai Dao – Sa Nhiên, những khu vườn hoa kiểng Happy Land Hùng Thy, Ngọc Lan, cánh đồng hoa hồng rộng 2,5 ha, vườn hồng Tư Tôn… phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước. Ngoài ra, TP Sa Đéc còn được biết đến với những khu du lịch kiểu homestay, như: Ngôi nhà Hoa Ếch; Ngôi nhà Tre – Phong levent. 

TP Sa Đéc duy trì thường xuyên việc chỉnh trang các bồn hoa, trồng bổ sung cây xanh, lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng, lát gạch vỉa hè, thiết kế và xây dựng các mô hình hàng rào cây xanh, tạo mỹ quan đô thị phục vụ khách du lịch. Hàng năm, lượng khách du lịch đến TP Sa Đéc đạt 1 triệu du khách, trong đó khách quốc tế trên 40.000 lượt.

Nhà vườn Làng hoa Sa Đéc trồng hoa kiểng kết hợp với làm du lịch

Tháp Mười là huyện có diện tích trồng cây sen lớn nhất cả nước và nổi tiếng với 2 câu thơ: “Tháp Mười đẹp nhất bông sen/Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”. Thấy được tiềm năng hiện có tại địa phương, Tháp Mười đã phát huy giá trị mô hình du lịch cộng đồng “Đồng sen Tháp Mười”. 

Mô hình cộng đồng có nhiều hộ dân khai thác loại hình du lịch trải nghiệm, như: chèo xuồng ngắm cảnh đồng sen; câu cá; thưởng thức ẩm thực đồng quê với nhiều món ăn được chế biến từ sen. Đây là điểm thu hút đông đảo khách du lịch từ TP HCM và các tỉnh ở ĐBSCL vào dịp cuối tuần và các kì nghỉ lễ. 

Trung bình, hàng tháng các điểm tham quan đồng sen đón và phục vụ trên 10.000 lượt khách; vào những dịp cao điểm lễ, trung bình mỗi ngày có trên 1.000 lượt khách du lịch đến đây tham quan và trải nghiệm.

Các chuyên gia cho rằng, phát triển du lịch nông nghiệp trên cơ sở khai thác hiệu quả tiềm năng đặc trưng riêng của Đồng Tháp, không chỉ giúp người dân tăng thu nhập đáng kể, mà còn giúp ngành du lịch của tỉnh có thêm nhiều gam màu tươi mới, tạo ra nhiều giá trị, góp phần thay đổi diện mạo từ thành thị đến nông thôn. Trong đó, phải kể đến mô hình tham quan vườn quýt hồng ở huyện Lai Vung phát huy tiềm năng du lịch nông nghiệp. 

Huyện Lai Vung vốn nổi tiếng cả nước với hệ thống vườn quýt hồng trĩu quả, cho cây trái quanh năm. Giờ đây, nông dân ở huyện Lai Vung không chỉ sản xuất quýt hồng bán ra thị trường, mà mạnh dạn mở cửa các khu, điểm du lịch nông nghiệp thu hút du khách đến tham quan ngày càng tăng.

Nông dân Đồng Tháp phát triển các mô hình du lịch nông nghiệp trải nghiệm

Nông dân Đoàn Anh Kiệt, ngụ xã Long Hậu, huyện Lai Vung tận dụng 5.000 m2 đất vườn trồng quýt hồng để làm du lịch miệt vườn. Với cách làm mới mẻ này, ông Kiệt phấn khởi trước nguồn thu nhập cao hơn nhiều lần so với trồng quýt hồng bán cho thương lái. 

Từ ngày thay đổi tư duy đột phá làm du dịch, ông Kiệt tự so sánh lại mỗi năm trồng quýt hồng theo kiểu truyền thống bán tháo cho thương lái với giá thấp hơn so với mở vườn làm du lịch. Ông Kiệt tính nhẩm: “Mỗi năm, nhờ phát triển vườn quýt hồng từ việc bán vé đến bán trái cho khách du lịch và phục vụ ăn uống đã đem về thu nhập cho gia đình khoảng 600 triệu đồng”.

Hiện nay, du lịch nông nghiệp là loại hình du lịch được nhiều địa phương ở ĐBSCL lựa chọn là hướng phát triển bền vững. Trong đó, Đồng Tháp là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng và đi đầu trong phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với phát triển du lịch. Đồng Tháp là một tỉnh thuần nông, nông nghiệp được xem là ngành kinh tế mũi nhọn, giúp Ðồng Tháp đẩy mạnh phát triển kinh tế. 

Trong khoảng thời gian ngắn ngủi, nhiều nông dân Đồng Tháp đã chuyển hướng phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với khai thác du lịch. Mô hình kinh tế mới không những giúp nông dân cải thiện thu nhập, mà thay đổi tư duy về phát triển kinh tế nông nghiệp của nông dân cũng được nâng lên rất nhiều.

Đến với điểm du lịch Viet MeKong Framstay, du khách sẽ được hóa thân làm nông dân thật sự

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Zalo

en_USEnglish