Ở Đồng Tháp, giờ đây cụm từ ‘khởi nghiệp’ đã trở nên quen thuộc. Mọi người đều gọi Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan là chú Sáu rất thân thương.

Đứng sau mỗi tuyệt tác luôn có sự hiện diện của một kiến trúc sư trưởng. Phong trào khởi nghiệp tại Đồng Tháp cũng không phải là một ngoại lệ. Ở vùng Đất Sen hồng này, ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy là một người “truyền lửa”, đồng hành với phong trào khởi nghiệp.

Anh Võ Văn Tiếng với dự án gạo sạch được Bí thư tỉnh ủy tạo điều kiện hỗ trợ

Đàn vịt hơn ngàn con của gia đình anh Võ Văn Tiếng, xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp nhốn nháo đòi vượt hàng rào sang cánh đồng rộng cả 10 ha vừa gặt xong ngay sát dòng kênh dẫn nước…

Lần đầu tiên thăm mô hình khởi nghiệp của anh Võ Văn Tiếng, ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp ngạc nhiên với mô hình trồng lúa thiên nhiên, triết lý rất đơn giản “gạo ngon từ đất, gạo chất từ tâm”. Nhờ vậy, không chỉ tạo điều kiện trong cho thuê đất, dồn điền đổi thửa để có hơn 40 ha trồng lúa sạch, anh Võ Văn Tiếng còn được Bí thư Tỉnh ủy viết thư giới thiệu và kêu gọi ủng hộ: “Chúng ta cần mua trước ủng hộ cho chàng trai này có tiền thuê đất mở rộng diện tích nhé. Ủng hộ khởi nghiệp là mình cũng đang khởi nghiệp rồi đó”.

Sự ủng hộ này giúp Tiếng vững tin hơn về hướng đi đã chọn. Anh cắt giảm vụ 3, thay vào đó là nuôi vịt, nuôi cá. Cứ 10 ha đất trồng lúa, Tiếng đào 1 ao rộng khoảng 5.000 m2, sâu 3 m để chứa nước lũ và thả cá. Mùa nước nổi, nước từ sông xả thẳng vào ruộng để đón phù sa. Mùa khô, lượng nước được kiểm soát đầu vào, giàu dinh dưỡng này được bơm vào ruộng. Đất được nghỉ và làm giàu nhờ đón lượng phù sa từ sông trong mùa nước nổi, từ nguồn trữ trong ao ở mùa khô. Sản lượng không bị giảm, lúa của Tiếng trồng lại không mất chi phí cho phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật.

Quy cách sản xuất sạch này đáp ứng trúng nhu cầu về thực phẩm an toàn của người dân. Tiếng cho biết, mỗi năm, anh sản xuất trên 50 tấn gạo sạch nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Cách đây 3 năm, “Mô hình trồng lúa sạch của nông trại Tâm Việt” của anh Võ Văn Tiếng đã giành ngôi vị quán quân cuộc thi khởi nghiệp lần thứ hai năm 2016 tại Đồng Tháp.

“Mình nghĩ chắc sẽ thành công vì nó là mô hình sạch, bảo vệ môi trường. Những người xung quanh thấy mình làm lạ quá, làm lúa mà không xịt thuốc hóa học. Họ nghĩ mình như một người điên. Thay vì dùng thuốc hóa học, mình dùng thiên địch để diệt những cái dịch hại đó. Mục đích mình làm vì uy tín và chất lượng”- anh Võ Văn Tiếng cho biết.

 Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp giới thiệu với Thủ tướng Chính phủ những sản phẩm khởi nghiệp của địa phương

Điều ít người biết, đêm trước ngày thi diễn ra, ông Bí thư tỉnh đã âm thầm đến địa điểm thi bằng xe gắn máy, có mặt bên cạnh các bạn trẻ ở Đồng Tháp tham dự cuộc thi khởi nghiệp để trao đổi các vấn đề cùng chung sự quan tâm; để động viên và hun đúc tinh thần. Trong ngày thi, nét mặt ông căng thẳng, phấn khởi theo kết quả các bạn trẻ thuyết trình dự án khởi nghiệp trước ban giám khảo.

Tháng 6/2016, trước đông đảo cán bộ chủ chốt các sở, ban, ngành, lãnh đạo các huyện trong tỉnh và các chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), ông Lê Minh Hoan khẳng định, sẽ là sai lầm nếu các cấp lãnh đạo trong tỉnh chỉ nghĩ một chiều rằng, khởi nghiệp là công việc của những doanh nghiệp hay những thanh niên trẻ. Theo đó, khởi nghiệp trước tiên phải được thẩm thấu, khơi gợi từ chính quyền. Trách nhiệm của hệ thống chính trị là cùng xây dựng nên hệ sinh thái khởi nghiệp.

“Trước tiên, phải nung nấu trong hệ thống. Tôi đã nói với các đồng chí lãnh đạo trong tỉnh rằng muốn lãnh đạo khởi nghiệp thành công ở một địa phương thì phải thoát khỏi tư duy nhiệm kỳ. Bởi từ nung nấu ý tưởng đến hiện thực nhiều khi đã mất 5 năm. Và nếu lãnh đạo cứ đùn đẩy cho nhiệm kỳ sau thì cứ nhiệm kỳ này đẩy cho nhiệm kỳ sau. Phải thoát tư duy nhiệm kỳ”- ông Lê Minh Hoan nói.

  Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan đồng hành với phong trào khởi nghiệp

Không chỉ quán triệt kiến thức cơ bản và tư duy về khởi nghiệp cho đội ngũ lãnh đạo, quản lý trong tỉnh, Bí thư tỉnh ủy Lê Minh Hoan còn đề nghị các cơ quan báo, đài cùng vào cuộc, xây dựng mạng lưới các tổ chức, kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ các bạn trẻ khởi nghiệp; chuyên gia các Câu lạc bộ doanh nghiệp dẫn đầu, BSA, VCCI… truyền đạt nhiều kinh nghiệm cả thành công và thất bại, hướng tới phương pháp để có được tư duy tích cực, một nguồn lực phải có để thành công. Các doanh nghiệp dẫn đầu của tỉnh đóng vai trò là những mentor (người hướng dẫn) cho các dự án khởi nghiệp, hỗ trợ thẩm định dự án, có thể liên kết góp vốn để tham gia phát triển sản phẩm, thương mại hóa.

Không chỉ thế, chính ông Lê Minh Hoan cũng trực tiếp đề nghị các cửa hàng, các kênh phân phối, các doanh nghiệp tại Đồng Tháp dành một khu vực bán hàng cho những sản phẩm của các doanh nghiệp khởi nghiệp. Qua đó, góp phần giúp các nhà khởi nghiệp trẻ của địa phương có một sân chơi, một thị trường ban đầu để tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm.

Nhớ lại những ngày khó khăn khởi nghiệp tại quê hương Đồng Tháp sau 7 năm du học tại Pháp, Ngô Chí Công, 28 tuổi, thạc sỹ chuyên ngành công nghệ hóa thành lập Công ty Khởi Minh Thành Công cho rằng, mình đã gặp may khi được lãnh đạo tỉnh hết lòng ủng hộ. Doanh nghiệp chuyên sản xuất, kinh doanh bình, chậu sử dụng công nghệ sơn in nước và hoa sen sấy khô của anh ngày một phát triển hơn.

“Trong giới khởi nghiệp, mọi người đều gọi Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan là chú Sáu rất thân thương. Chú luôn quan tâm, động viên, hỏi thăm công việc, chia sẻ những bài học, kinh nghiệm, tin tức liên quan đến khởi nghiệp. Chú thường xuyên mua ủng hộ những sản phẩm khởi nghiệp; đồng thời, đi quảng bá các sản phẩm đó trong các hội nghị. Những vị cao nhất của tỉnh dù rất bận rộn nhưng đã dành thời gian cụ thể để có thể đồng hành, chia sẻ những khó khăn, cùng tâm tư với những khó khăn của doanh nghiệp và tháo gỡ, giúp doanh nghiệp phát triển. Đó không chỉ là tinh thần mà còn là hành động giúp chúng tôi vững tin hơn”-anh Ngô Chí Công chia sẻ.

 Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan ủng hộ tinh thần Ngô Chí Công tham dự cuộc thi khởi nghiệp

Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ chọn là năm “Quốc gia khởi nghiệp”. Tại ĐBSCL, các chương trình khởi nghiệp được quan tâm xây dựng như ở Bến Tre, Đồng Tháp, Cần Thơ… Nhưng kết quả chưa đạt được như mong đợi sau hơn 2 năm triển khai.

Theo ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc phụ trách VCCI chi nhánh Cần Thơ, đối với khởi nghiệp, vấn đề là làm gì cho hiệu quả.

Kinh nghiệm từ Đồng Tháp cho thấy, từ sáng kiến của mạng lưới ABCD-Mekong, Đồng Tháp thành lập CLB khởi nghiệp, tập hợp các doanh nghiệp dẫn đầu. Các dự án khởi nghiệp sau khi dự thi tại các cuộc thi do Trung tâm BSA, VCCI phát động đều được các chuyên gia tư vấn “chỉnh lại” để có thể thương mại hoá.

Ông Nguyễn Phương Lam cho biết, hoạt động khởi nghiệp của Đồng Tháp tạo được sự chú ý cao. Những doanh nhân khác luôn giới thiệu về công ty của họ. Nhưng những doanh nghiệp Đồng Tháp luôn giới thiệu về quê hương mình. Việc xây dựng nền kinh tế và quảng bá hình ảnh quê hương chính là góp phần khuyến khích những người “yêu nước tạo ra lợi nhuận”. Nó chính là chất keo dính để khuyến khích các doanh nhân tạo dựng và chấp nhận rủi ro.

“Hiện nay, chưa có vùng nào máu lửa khởi nghiệp như ở ĐBSCL. Riêng ở đây, Đồng Tháp là đi đầu. Tôi rất lấy làm thú vị khi mỗi dịp Tết khi đi thăm các doanh nghiệp Đồng Tháp hay tỉnh Đồng Tháp chúc Tết, món quà lãnh đạo tỉnh mang đi là sản phẩm của các bạn khởi nghiệp. Sự quan tâm, giúp đỡ cũng như là khẳng định trong hoạt động khởi nghiệp của Đồng Tháp rất hay”- ông Nguyễn Phương Lam nói.

 Sản phẩm khởi nghiệp với lá sen in trên bìa sách của bạn trẻ Đồng Tháp

Không ít quốc gia đã giành nhiều nỗ lực để có nhiều công ty khởi nghiệp. Nhưng Hàn Quốc đã không thành công chỉ vì nỗi lo sợ mất thể diện. Ngay cả Israel, một trong những quốc gia khởi nghiệp thành công nhất thế giới, cơ hội thành công của các công ty mới khởi nghiệp là không cao.

Thành công là điều đáng mừng nhưng thất bại không phải là sự kết thúc. Đó là một kinh nghiệm quan trọng. PGS.TS Lê Nguyễn Đoan Khôi, Giám đốc Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp công nghệ, Trường Đại học Cần Thơ cho rằng, muốn tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp hiệu quả, trước tiên phải tạo ra những “hạt giống” tốt, một thế hệ doanh nhân trẻ tài giỏi. Muốn tạo ra “hạt giống” tốt, phải hoàn thiện tâm thế khởi nghiệp, gây dựng văn hoá khoan dung hay còn gọi là “thất bại có tính xây dựng”. Thực tiễn cho thấy, nếu không thông cảm, chia sẻ với những thất bại thì khó có thể đạt được sự đổi mới thật sự.

“Rất tâm đắc với anh Sáu ở Đồng Tháp. Ở đây có chương trình đàn sếu khởi nghiệp. Đầu tiên tôi chỉ nghĩ gọi đàn sếu vì Đồng Tháp có sếu đầu đỏ. Tuy nhiên, về sau tôi mới nghĩ ra trong kiến thức kinh tế là đàn sếu có con lãnh đạo, bay đầu đàn. Con sếu này dẫn dắt các con sếu phía sau bay theo. Đây là điều rất quan trọng. Rất khó kiếm được một Mentor – người đi đầu trong lĩnh vực khởi nghiệp”- PGS.TS Lê Nguyễn Đoan Khôi nói.

Trong 10 năm trở lại đây, chỉ số năng lực canh tranh cấp tỉnh (PCI) của Đồng Tháp thường xuyên nằm trong tốp đầu của cả nước. Năm 2012, tỉnh này đứng thứ Nhất. Chỉ số PCI phản ánh những yếu tố về tính đổi mới, sáng tạo cũng như sự hỗ trợ của chính quyền. Theo đó, với chỉ số “sự hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh”, Đồng Tháp đã nâng mức điểm từ 2,95 năm 2012 lên tới 5,49 năm 2016.

Cũng tại Đồng Tháp, nhiều mô hình mới đã ra đời và phát huy hiệu quả. Tiêu biểu như mô hình “Hội quán” phát huy vai trò tự quản của người dân trong xây dựng nông thôn mới; mô hình “Cà phê doanh nhân” với tinh thần đồng hành và chia sẻ giữa chính quyền và doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, kiến tạo ý tưởng phát triển của địa phương. Trong đó, Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan dành trọn tâm huyết để thúc đẩy sự phát triển.

Ở Đồng Tháp, giờ đây cụm từ ‘khởi nghiệp’ đã trở nên quen thuộc. Các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp lan tỏa từ tỉnh đến các cấp huyện, xã. Khi phụ trách một việc, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm cho mọi việc xảy ra. Nhận thức và lời nói “không phải lỗi của tôi” không tồn tại trong văn hoá khởi nghiệp ở địa phương này. Đó là thái độ dám làm, dám chịu. Mặt khác, thay vì thói quen tiếp nhận mệnh lệnh và lý giải mệnh lệnh đó càng hẹp càng tốt, để tránh bị quy trách nhiệm hoặc phải làm thêm việc; một lối làm việc mới cũng đang dần hình thành, đó là vẫn làm theo mệnh lệnh nhưng theo cách tốt nhất có thể bằng việc đầu tư mọi nỗ lực cần thiết. Nó đề cao sự ứng biến hơn là kỷ luật.

Ông Lê Minh Hoan thăm các sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên trong tỉnh

Nhờ vậy, nhiều dự án khởi nghiệp như Dự án mật ong Hương Tràm hút dẻo của Trần Thành Long ở xã Tân Công Sính, huyện Tam Nông hay Dự án làm hoa sen, hoa súng vô chậu của ông Trần Bạch Đằng ở Thành phố Cao Lãnh-nông dân tiêu biểu được Thủ tướng tặng Bằng khen v.v.. đã có những mùa “vàng”.

Thời gian qua, các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp ở Đồng Tháp đã và đang được xây dựng, triển khai quyết liệt. Tinh thần khởi nghiệp đang được hun đúc bởi sức mạnh tinh thần lẫn những điều kiện hỗ trợ về vật chất. Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho rằng, điều quan trọng là tinh thần này cần được duy trì để trở thành nền tảng của nền kinh tế. Nói cách khác, Đồng Tháp phải thường xuyên duy trì được “bầu không khí của một công ty mới khởi nghiệp đang bấp bênh”.

“Các bạn muốn khởi nghiệp mà không biết bài toán chia thì sẽ không có bài toán nhân. Giờ thì tôi đang bắt đầu làm cho hệ thống lại. Trước trải ra theo nhiều hướng, giờ hệ thống lại. Nhưng quan trọng nhất là các em khởi nghiệp đừng đi một mình, đừng lủi thủi một mình. Thứ hai là chính chúng ta không được bỏ rơi, mà phải kết nối bằng nhiều nguồn lực khác, cũng không trông đợi vào nguồn lực nhà nước”- ông Lê Minh Hoan nói.

Nêu gương các doanh nghiệp thành công nhằm khích lệ người địa phương ước mong trở thành doanh nhân; qua đó, tạo ra một phản ứng thường thấy của người Đồng Tháp trước mọi hình thức thành công là: Nếu họ làm được, tôi có thể làm tốt hơn.

Theo Thanh Tùng/VOV

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Zalo

en_USEnglish