Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã đưa ra hướng dẫn tạm thời về việc đón khách quốc tế trở lại Việt Nam, chỉ vài ngày sau khi Chính phủ cho phép năm địa phương gồm Kiên Giang (Phú Quốc), Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ninh và Khánh Hòa được thí điểm đón khách quốc tế từ tháng 11 này.

Vẫn… dè dặt!

Theo hướng dẫn ngày 5-11 của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Việt Nam sẽ mở cửa theo ba giai đoạn. Giai đoạn một, từ tháng 11 này, ngành du lịch sẽ đón khách theo tour trọn gói, thông qua các chuyến bay thuê chuyến và thương mại quốc tế đến các khu vực, cơ sở dịch vụ du lịch được lựa chọn tại năm địa phương trên.

Giai đoạn hai, từ tháng 1-2022, phạm vi đón khách sẽ được mở rộng, kết nối nhiều điểm đến thông qua các chuyến bay thuê chuyến và thương mại quốc tế thường lệ. Sau tối thiểu bảy ngày tour ở điểm đến đầu tiên, du khách có thể đến những địa phương khác, nơi được phép đón khách quốc tế theo chương trình tour trọn gói nhưng phải có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 ở lần xét nghiệm vào ngày thứ bảy.

Tất cả điểm đến sẽ mở cửa lại hoàn toàn vào giai đoạn ba nhưng thời điểm bắt đầu giai đoạn này chưa được công bố vì phải căn cứ vào diễn tiến dịch bệnh và kết quả của hai giai đoạn đầu.

Để đến Việt Nam, du khách phải có “hộ chiếu vaccine”, tức có giấy chứng nhận đã tiêm đủ vaccine ngừa Covid-19 hoặc chứng nhận khỏi bệnh Covid-19; âm tính SARS-CoV-2; có bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm du lịch có chi trả cho điều trị Covid-19 với mức trách nhiệm tối thiểu là 50.000 đô la Mỹ và mua tour của những doanh nghiệp lữ hành được cung cấp dịch vụ trong giai đoạn thí điểm. Khi đến sân bay, khách phải đo thân nhiệt, cài đặt ứng dụng IGOVN, ứng dụng PC-COVID và sử dụng suốt trong thời gian ở Việt Nam.

Cũng theo hướng dẫn này, du khách sau khi đến Việt Nam, được xét nghiệm lại và có kết quả âm tính với SARS-CoV-2, từ 1-7 ngày đầu cũng chỉ được tham gia các hoạt động theo lịch trình đã được đăng ký trước, không được tách đoàn hoặc rời khỏi khu vực đã được bố trí và hạn chế tiếp xúc gần với người của những đoàn khác. Từ ngày thứ bảy trở đi, hình thức du lịch cũng không mấy thay đổi vì du khách chỉ được đến những nơi được phép đón khách quốc tế theo chương trình tour trọn gói.

Du khách tại TPHCM trước khi xảy ra dịch. Ảnh: Đào Loan

Nhìn ra các nước lân cận

Trong khi Việt Nam rất dè dặt trong kế hoạch mở cửa du lịch, các nước lân cận đang đi sâu vào tiến trình mở cửa, áp dụng những hình thức du lịch thông thoáng hơn để đón du khách trở lại.

Với Thái Lan, sau khi áp dụng thí điểm các mô hình “sandbox” từ tháng Bảy rồi, nước này đã cho phép những người được tiêm đủ vaccine từ 63 quốc gia và vùng lãnh thổ có nguy cơ thấp nhập cảnh mà không phải cách ly và không hạn chế khu vực đi lại từ ngày 1-11.

Cũng từ tháng này, Campuchia áp dụng “Gói du lịch an toàn miễn cách ly” cho những du khách đã tiêm đủ vaccine, đặt trước dịch vụ ít nhất 5 ngày nghỉ tại Sihanoukville, đảo Koh Rong và khu nghỉ dưỡng Dara Sakor Resort ở tỉnh Koh Kong. Sau đó, nếu có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, du khách sẽ được đi lại không hạn chế khắp nước này. Dự kiến, từ tháng 1-2022, mô hình này sẽ được áp dụng sang tỉnh Siem Reap, nơi có Di sản văn hóa thế giới Angkor. Trong khi đó, Singapore cũng đã mở cửa song phương với hơn 10 nước… dù số ca nhiễm có lúc cũng tăng cao trong cộng đồng cùng với những ổ dịch mới ở đâu đó.

Nếu nhìn vào những thiệt hại về kinh tế, xã hội do đại dịch Covid-19 gây ra trong gần hai năm qua, có thể hiểu được sự cẩn trọng của những người quản lý trong kế hoạch mở cửa. Tuy nhiên, nếu dựa vào thực tế đất nước đang chọn “sống chung với dịch” cùng áp lực phải phục hồi kinh tế và sự cạnh tranh gay gắt của các điểm đến về mở cửa du lịch thì việc quá dè dặt, quá cẩn trọng lại trở thành rào cản cho con đường phục hồi du lịch.

Cần rút ngắn thời gian thí điểm

Chính phủ cho phép thí điểm mở cửa du lịch vì cần thử nghiệm quy trình, đo lường phản ứng của thị trường và xem xét việc được – mất để quyết định có nên mở hay không. Nhưng một kế hoạch thí điểm ở nhiều nơi, với thời gian dài để đo lường kết quả như nói trên đã được đặt ra trong bối cảnh dịch hoành hành dữ dội, chưa có vaccine nhiều để tiêm cho dân, cơ sở y tế chưa có kinh nghiệm chữa trị và các nước cũng đang dò dẫm tìm đường mở cửa. Bối cảnh nay đã khác nên cũng cần phải có sự điều chỉnh sao cho phù hợp với sự bình thường mới. Tỷ lệ bao phủ vaccine trong dân chúng, trên phạm vi đã rất rộng. Tính đến ngày 6-11, cả nước đã có hơn 88,5 triệu liều được tiêm, những trẻ em lớn cũng đã được tiêm bảo vệ, các cơ sở y tế đã có kinh nghiệm điều trị. Và chúng ta cũng đã đi theo một chủ trương mới: Sống chung với dịch Covid-19 thay vì Zero Covid trước đó.

Để góp phần phục hồi kinh tế, không có con đường nào khác là phải mở cửa du lịch, cho phép đông đảo doanh nghiệp lữ hành, khách sạn… đón du khách quốc tế chứ không phải là giới hạn ở một số doanh nghiệp được phép. Cần rút ngắn thời gian thí điểm và nếu muốn tìm kiếm kinh nghiệm về điều này có thể tham khảo thêm các mô hình tái mở cửa du lịch với những thành công ban đầu, như Thái Lan. Lý do, với du lịch quốc tế, doanh nghiệp cần đến sáu tháng hoặc nửa năm để bán hàng mà mỗi năm lại chỉ có một mùa đông khách vào cuối năm cũ kéo dài cho đến đầu năm mới cho nên cứ lỡ một nhịp là mất một năm làm ăn.

Cũng không nên hạn chế điểm tham quan của du khách quốc tế. Hiện tại, các địa phương trên cả nước đang chào đón khách nội địa. Theo quy định, trừ một số trường hợp đặc biệt, khách Việt đã tiêm đủ vaccine không phải xét nghiệm SARS-CoV-2 và được đến những cơ sở cung cấp dịch vụ đã mở cửa. Trong khi đó, khách quốc tế cũng tiêm đủ vaccine, có xét nghiệm trước và sau khi đến mà lại phải bó buộc trong phạm vi hẹp là chưa công bằng. Xét về nguy cơ lây nhiễm, cả hai khách hàng này đều như nhau, thậm chí khách quốc tế còn được sàng lọc kỹ hơn (trừ khi khách sử dụng giấy chứng nhận tiêm vaccine giả nhưng điều này lại phải tính toán theo cách khác).

Cuộc đua mở cửa du lịch quốc tế đã bắt đầu trên thế giới và nhiều nước trong khu vực cũng đã tham gia. Điểm đến Việt Nam không còn nhiều thời gian để từ từ, để chờ xem rồi tính tiếp. Bởi vì, chúng ta sẽ không chỉ đi sau các nước một mùa du lịch vào cuối năm 2021 này mà còn có thể mất luôn cả năm sắp tới.

Theo Đào Loan

https://thesaigontimes.vn/lo-mot-nhip-mat-mot-nam/

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Zalo

en_USEnglish