Để xây dựng, duy trì một farmstay, homestay, nhà đầu tư cần lên kế hoạch kỹ lưỡng từ vị trí, dòng tiền, đến các kiến thức về du lịch, làm nông…

5 năm trước, chị Hà quyết định rời TP HCM về sống tại khu vườn rộng 2 ha của ba mẹ trên Lâm Đồng. “Lúc đó tôi mới nghỉ việc, muốn thay đổi không khí, vừa hay có mảnh đất của gia đình đang bỏ trống”, chị kể.

Điều may mắn, theo chị, là căn nhà nằm trên cung đường tới điểm trekking Tà Năng – Phan Dũng đang được dân du lịch chú ý. Nếu làm homestay, chị tin chắc chắn sẽ có khách nên bắt tay xây dựng Sàn Homestay và duy trì từ đó đến nay.

Trường hợp như chị Hà là không hiếm trong thời gian qua với xu hướng bỏ phố về quê nhằm tìm kiếm một lối sống khác khi thu nhập và nhu cầu trải nghiệm của người Việt đang tăng lên.

Chung quan điểm, ông Tân, một nhà đầu tư trong lĩnh vực này đánh giá, thị hiếu của người mua đang dịch chuyển lên vùng núi, cao nguyên thay vì miền biển như thời gian trước.

“Như tôi quan sát trong giới bạn bè, khoảng 60-70% có nhu cầu ở thật với mô hình farmstay, homestay, phần còn lại thì coi đó là một khoản đầu tư, để mua đi bán lại”, ông Tân nói.

Ông cũng cho rằng xu hướng này sẽ trở nên mạnh mẽ hơn sau Covid-19 khi nhiều người cảm thấy cần một nơi trú ẩn khác bên ngoài đô thị. Phạm vi chọn lựa phù hợp, theo ông, thường cách thành phố khoảng trên dưới 200 km.

Căn nhà sàn bằng tre lợp lá được chủ đầu tư thuê người dân địa phương làm. Ảnh: Dỹ Tùng
Căn nhà sàn bằng tre lợp lá được chủ đầu tư thuê người dân địa phương làm. Ảnh: Dỹ Tùng

Tuy nhiên, kinh nghiệm từ những người đi trước đều cho rằng, để đầu tư homestay, farmstay một cách chỉn chu, thường không dễ dàng. Bởi xây dựng và quản lý nông trại nghỉ dưỡng không như mua, đầu tư một mảnh đất thông thường vì còn phải tính thêm bài toán trồng cây, xây nhà, duy tu bảo dưỡng cũng như tìm cách kinh doanh sinh lời từ các dịch vụ trên đó.

Việc đầu tiên cần làm là phải chọn đúng vị trí đất, khu vực. Theo ông Phạm Thanh Tùng, chuyên gia trong lĩnh vực farmstay, với quy mô rộng, từ vài ha đến cả chục ha, khu đất cần được xem xét kỹ về khí hậu, điều kiện xung quanh. Vị trí chọn đất cũng phải có hạ tầng nối với các khu vực trung tâm, cũng như xem xét có thuộc lưu tuyến các vị trí du lịch hay không. “Muốn chiến thắng trước tiên phải thắng về vị trí”, ông nói.

Trong khi đó, nhà đầu tư tên Tân, người có nhiều năm kinh nghiệm trong kinh doanh và đầu tư các farmstay ở Lâm Đồng, lại lưu ý đến rủi ro pháp lý của đám đất nếu người mua không có kinh nghiệm, không tìm hiểu kỹ. “Nếu khu vực đó không được lên đất thổ cư mà chỉ là quy hoạch đất nông nghiệp thì sẽ rất trắc trở”, ông nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, người mua nên tránh những điểm có dấu hiệu bị làm giá, thổi phồng về cơ hội đầu tư.

“Những lời hứa hẹn nếu không kiểm tra kỹ thì về sau rất mệt, giá mua lại rất cao, như vậy là mua bánh chứ không phải mua bột, mua đất xong có khi hết tiền để xây”, ông ví von. Vì vậy, theo ông, khi lựa chọn đất, nên tìm những khu vực có thông tin, giá cả ổn định, chưa bị làm loạn bởi các lực lượng cò.

Thứ hai là cần chuẩn bị một lượng lớn kiến thức, kỹ năng ở đa dạng lĩnh vực.

“Tôi không hề biết quy trình giấy tờ kinh doanh phải như thế nào, tìm trên mạng hay lên huyện hỏi cũng không ai biết”, chị Hà kể về thời gian đầu bắt tay vào làm Sàn Homestay.

Thời gian đó, chị cho biết phải đi lại như con thoi với khoảng cách 60 km từ nhà lên huyện cho từng cái giấy phép đăng ký kinh doanh hộ cá thể, giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng cháy chữa cháy, giấy đón người nước ngoài… “Tôi cứ làm dần, thấy thiếu ở đâu bổ sung ở đấy, vì phải đi vào thực tiễn mới biết là cần gì”, chị nói.

Không chỉ gặp thách thức với nhiều loại giấy tờ, pháp lý, chị Hà còn cho biết vì đây là lĩnh vực mới, bản thân chị chưa có kinh nghiệm, kiến thức trong mảng du lịch nên phải học liên tục. “Ban đầu, tôi chủ yếu dựa vào các trải nghiệm của mình trước đây rồi suy ra nhu cầu của khách”, chị nói. Cũng bởi vậy, thời gian rảnh chị thường dùng để đọc thêm sách và thăm một số mô hình khác nhau nhằm tìm thêm cách làm phù hợp. Ngoài ra, chị còn mày mò thêm một số cách làm quảng cáo, lên tour…

Từ góc độ chuyên gia, ông Phạm Thanh Tùng cho biết, để vận hành được một farmstay hiệu quả, cần có ít nhất hai loại kiến thức chuyên môn gồm nông nghiệp và dịch vụ lưu trú. Đơn cử như trồng cây gì, nuôi con gì, nếu không có kiến thức về cây trồng, vật nuôi, nhà đầu tư có thể mua hớ dẫn đến thiệt hại về sau.

“Cùng một giống cây, có khi vì không biết, tiếc tiền, mua cây giống rẻ, về sau nó chống chịu không tốt, hỏng cả vườn”, ông Tùng dẫn chứng. Với những người có dư tiềm lực tài chính, ông cho rằng nên thuê thêm phía tư vấn để hỗ trợ năng lực vận hành, điều phối được hiệu quả hơn.

Thứ ba là về dòng tiền. Từ kinh nghiệm của bản thân, chị Hà cho biết, với những người trẻ, muốn bỏ phố về quê, cần phải có tiền tiết kiệm hoặc có nghề tay trái để đảm bảo duy trì cuộc sống ít nhất 6 tháng đến 1 năm khi homestay hay farmstay chưa thể sinh ra tiền ngay.

Tiếp đó, chị cho rằng khi đầu tư homestay, farmstay cần xác định rõ, thu nhập của bản thân sẽ đến từ hạng mục nào trong mô hình này. Nếu tập trung vào tiền lưu trú thì phải ưu tiên vào hạ tầng ngủ nghỉ, thay vì cho vườn tược.

“Ngay kể cả khi có một khách, chủ nhà vẫn có thể tận dụng để có được nguồn thu tối đa từ khách đó. Bởi họ ngoài ở, họ còn có nhu cầu ăn, chơi, giải trí, hưởng thụ các dịch vụ chăm sóc khác. Tóm lại, cần nghĩ ra những thứ khách sẵn sàng trải nghiệm và chi tiền”, chị nói.

Theo chị, điều quan trọng là phải tạo ra được đồng tiền xoay vòng ngay từ lúc ban đầu, vì giai đoạn này có rất nhiều thứ cần phải đầu tư.

Với số vốn không quá nhiều, chị Hà đã liệt kê các hạng mục thiết yếu cần nâng cấp ngay thời gian đầu và có thể mang lại tiền nhanh.

“Tôi làm theo từng giai đoạn và theo nhu cầu của khách. Tôi cho rằng đầu tư không nên ào ào một lần, cũng không cần cố gắng làm thật hoành tráng vượt quá sức dẫn đến phải vay mượn”, chị nói. Với các loại hình dịch vụ, chủ đầu tư có thể hợp tác thêm bên thứ ba để cung cấp nhằm không phải bỏ quá nhiều tiền để đầu tư.

Bên cạnh đó, chị Hà còn nhấn mạnh cần phải đa dạng nguồn thu. “Đây là điều cần lưu ý trong cả điều kiện bình thường chứ không riêng gì dịch bệnh”, chị nói và cho biết bản thân đang chế biến, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp mà gia đình trồng cũng như thu mua tại địa phương. Theo đó, khách đến homestay trải nghiệm rồi mua về làm quà, rồi họ tiếp tục truyền tai người khác về sản phẩm.

Ông Tùng cũng lưu ý, thường thường một farmstay có dòng tiền ổn định bắt đầu từ năm thứ ba vì đây là thời gian nông sản bắt đầu cho thu hoạch ổn định, giúp khách có đầy đủ trải nghiệm. “Còn để có lãi hay không, phải tuỳ thuộc vào khả năng kinh doanh của người chủ”, ông nói.

Trong thực tế, một số người tham gia mô hình này cho hay việc bỏ phố về quê sẽ khó kiếm lời nhiều về tiền bạc, chỉ vừa đủ sống như một công việc làm công ăn lương, thậm chí vất vả hơn rất nhiều vì phải lo mọi thứ từ A-Z. “Tôi chọn sống như thế này chủ yếu là để bản thân trải nghiệm mà thôi”, chị Hà kết luận.

Đức Minh

https://vnexpress.net/nhung-dieu-can-biet-neu-bo-pho-ve-que-lam-homestay-farmstay-4348270.html

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Zalo

en_USEnglish