ĐBSCL không thiếu tiềm năng để phát triển nhưng vẫn chưa được khai thác đúng mức, chưa đảm bảo cho nông dân có được mức thu nhập tương xứng.
Kêu gọi đầu tư du lịch nông thôn
Trường Đại học Cần Thơ phối hợp với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP Cần Thơ, Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF/Đức) tại Việt Nam vừa tổ chức Hội thảo quốc tế “Đầu tư phát triển thị trường nông sản và Du lịch nông thôn ở ĐBSCL”. Hội thảo có sự tham dự của hơn 130 đại biểu đại diện các sở ban ngành, các nhà khoa học trong và ngoài khu vực ĐBSCL, các chuyên gia, nhà khoa học đến từ Đức và Indonesia.
ĐBSCL có vị trí đặc biệt trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Đây không chỉ là vùng kinh tế trọng điểm sản xuất nông nghiệp, thủy sản, trái cây lớn nhất nước mà còn là vùng văn hóa mang đậm bản sắc truyền thống, có nhiều tiềm năng và nguồn lực để thu hút đầu tư và phát triển thị trường nông sản và du lịch nông thôn ở hiện tại cũng như trong tương lai.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ngành nông nghiệp của vùng phải đối mặt với nhiều khó khăn do biến đổi khí hậu, rủi ro do biến động của thị trường. Vì vậy, việc đầu tư phát triển thị trường nông sản của vùng cũng như gắn với phát triển du lịch nông thôn trước những rủi ro là vấn đề được các nhà quản lý và khoa học quan tâm giúp ĐBSCL ngày càng nâng tầm để phát triển.
Hội thảo được tổ chức nhằm chia sẻ và ghi nhận những kinh nghiệm trong việc đầu tư phát triển thị trường nông sản khu vực ĐBSCL và du lịch nông thôn tại khu vực ĐBSCL và các khu vực khác ở Việt Nam cũng như trên thế giới trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Hiện nay xu hướng phát triển thị trường nông sản trong bối cảnh mới và du lịch nông thôn cũng đang nhận được sự quan tâm từ chính quyền địa phương để hiến kết vào việc xây dựng các chính sách, phát triển khu vực trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng 4.0.
Đồng thời mở ra cơ hội để doanh nghiệp tại TP Cần Thơ và nhiều tỉnh thành khác cùng doanh nghiệp tại Đức tìm hiểu, trao đổi về tiềm năng đầu tư hợp tác, tăng cường kết nối giao thương, hợp tác phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tạo điều kiện để doanh nghiệp gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh.
Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, Cần Thơ là thành phố trực thuộc Trung ương, với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, cửa ngõ của vùng hạ lưu sông Mekong, đóng vai trò là trung tâm thương mại, dịch vụ, đào tạo nguồn nhân lực khoa học và công nghệ, trung tâm y tế của vùng. Đồng thời Cần Thơ là đầu mối giao thương kinh tế quan trọng kết nối vùng ĐBSCL với cả nước cũng như quốc tế.
Cần Thơ đang hướng tới mục tiêu trở thành thành phố đồng bằng cấp quốc gia, văn minh, hiện đại, xanh, sạch đẹp, là trung tâm công nghiệp, trung tâm thương mại, dịch vụ, trung tâm giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ, trung tâm y tế và văn hóa của vùng.
Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Hồng cũng cho biết thêm, trong thời gian tới, Cần Thơ hy vọng rằng Viện FNF sẽ tạo điều kiện thuận lợi, đồng thời tiếp tục quan tâm hỗ trợ cho Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố nói riêng và TP Cần Thơ nói chung trong công tác đối ngoại nhân dân, các hoạt động hợp tác trao đổi và xúc tiến đầu tư tại TP Cần Thơ với các đối tác, doanh nghiệp Đức trên nhiều lĩnh vực, góp phần xây dựng và phát triển các mối quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân các nước trên thế giới.
Nhiều giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ nông sản
ĐBSCL vốn là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước, đóng góp phần lớn các loại lúa gạo, trái cây và thủy sản phục vụ xuất khẩu và đảm bảo an ninh lương thực cho quốc gia. ĐBSCL cũng có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch nông thôn. Tuy nhiên, những tiềm năng của ĐBSCL vẫn chưa được khai thác đúng mức, chưa đảm bảo cho nông dân có được mức thu nhập tương xứng.
Tại hội thảo, các chuyên gia đã phân tích, đề xuất nhiều giải pháp, đề xuất những định hướng thiết thực nhằm khơi dậy tiềm năng thu hút đầu tư phát triển thị trường nông sản và du lịch nông thôn hướng đến mục tiêu tăng trưởng bền vững cho toàn vùng ĐBSCL như: Giải pháp thị trường để bình ổn giá bán lúa cho nông hộ, vấn đề phát triển nông nghiệp hữu cơ và xu hướng tiếp cận nông sản sạch của người tiêu dùng. Các yếu tố marketing địa phương gắn với du lịch, tác động của hình ảnh điểm đến tới sự hài lòng của du khách…
Bên cạnh đó còn đề xuất đến các Bộ, ngành và địa phương vùng ĐBSCL cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức và hành động của người dân, doanh nghiệp trong gìn giữ và phát huy các tiềm năng thế mạnh về phát triển nông nghiệp gắn với du lịch, cũng như gìn giữ cảnh quan thiên nhiên. Tăng cường liên kết giữa các bên liên quan để nâng cao chất lượng nông sản và điều tiết sản xuất với diện tích, sản lượng phù hợp, nâng cao được chuỗi giá trị ngành hàng. Phát huy các loại hình du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp, làng nghề truyền thống ở nông thôn…
Theo các chuyên gia, giá bán lúa của bà con nông dân thường bị biến động thị trường gây ra nhiều bất lợi cho nông hộ tại ĐBSCL, đặc biệt là trên phương diện thu nhập. Tuy nhiên, nông hộ sản xuất lúa với quy mô nhỏ thường phải chấp nhận giá thị trường bởi thiếu thương hiệu để tạo nên sự khác biệt. Do không có thói quen tồn trữ và năng lực tồn trữ yếu nên nông hộ bán lúa gấp ngay sau thu hoạch vì sợ rủi ro giá giảm và để trang trải chi phí sản xuất, thanh toán nợ và chi tiêu. Những nguyên nhân trên cộng với chuỗi giá trị lúa gạo kém hiệu quả khiến giá bán lúa của nông hộ thấp và biến động.
Chia sẻ về giải pháp thị trường để bình ổn giá bán lúa cho nông hộ ở ĐBSCL, PGS.TS Lê Khương Ninh, Trường Đại học Cần Thơ cho rằng, cần phải phát triển hệ thống kho ký gửi lúa; phát triển thị trường đặt trước và thị trường tương lai; hoạt động bán chung theo nhóm.
Theo đó, hệ thống kho ký gửi giúp quản trị rủi ro giá bán lúa thông qua tạo cơ hội thuận lợi hơn để nông hộ tiếp cận tín dụng nhờ có thể cung cấp tài sản thế chấp, dễ thẩm định và đáng tin cậy, tăng cường tính hiệu quả của việc tiếp thị lúa với tư cách là đơn vị thanh toán bù trừ để giúp thực thi quyền sở hữu tài sản và hợp đồng mua bán. Việc phát triển thị trường đặt trước như thiết lập hợp đồng đặt trước hay hợp đồng tương lai sẽ giúp nông dân tránh bán lúa gấp, từ đó kiểm soát rủi ro giá.
Theo Lê Hoàng Vũ – Ngọc Thắng
https://nongnghiep.vn/tim-xa-lo-chung-cho-nong-san-va-du-lich-nong-thon-d333694.html