Hàng chục địa phương công bố mở cửa đón khách du lịch từ tháng 10, song, một số tỉnh thành vẫn im lìm. Việc di chuyển khó khăn khiến các tour khó triển khai, khi ‘đùng một cái’, địa phương tuyên bố đóng cửa nếu xuất hiện ca F0.
Quy định đánh đố nhau
Vừa có chuyến khảo sát thực tế về để xây dựng sản phẩm, ông Nguyễn Công Hoan, Giám đốc Công ty Flamingo Redtours, kể: Từ Hà Nội đi Vĩnh Phúc, địa phương yêu cầu xét nghiệm nhanh có giá trị trong 72 giờ; chạy đến Tuyên Quang thì xét nghiệm đó chỉ có giá trị trong vòng 24 giờ; tuy nhiên, đến Thái Nguyên, tỉnh này lại bắt khách đi qua phải có xét nghiệm PCR âm tính.
Thông tin mới nhất, Thái Nguyên đã cho phép người từ vùng xanh sử dụng test nhanh ra vào tỉnh từ 1/10, nhưng điều đó chứng tỏ ngay trong phương pháp và thời gian xét nghiệm đã có sự khác nhau giữa các địa phương.
“Quy định như vậy thì đánh đố nhau, làm sao các đơn vị lữ hành có thể triển khai tour cho khách”, ông Hoan băn khoăn với PV. VietNamNet.
Di chuyển giữa các địa phương thế nào đang là vấn đề gây đau đầu nhiều CEO lữ hành khi khởi động lại các chương trình du lịch nội địa. Ông Hoan cho rằng, vấn đề nằm ở chính quyền các địa phương trong việc xác định kế hoạch mở cửa và họ cần tuyên bố rõ ràng thời gian mở, cùng với danh sách các DN địa phương sẵn sàng tham gia.
DN lữ hành sẽ hoàn toàn bị động, không thể xây dựng và triển khai sản phẩm nếu địa phương “đóng cửa” cả trong tư duy lẫn trên thực tế.
Ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, đánh giá, hiện có nhiều địa phương mạnh dạn, tích cực lên kế hoạch đón khách nội địa, coi du lịch là công cụ để khôi phục kinh tế. Tuy nhiên, không ít nơi còn bảo thủ, quá lo sợ vấn đề an toàn dịch bệnh và trách nhiệm về phòng, chống dịch nên chỉ nghe ngóng, hoặc chọn “giải pháp an toàn” hết hẳn dịch mới mở cửa.
Một số địa phương có nhiều điểm xanh, vùng xanh, nhưng lại đóng cửa cả tỉnh để phòng dịch. Họ có thể sẽ mất cơ hội hồi phục so với các địa phương khác, ông nói.
Ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist, cũng cho hay, DN lữ hành đã sẵn sàng, du khách cũng sẵn sàng để có thể khởi hành ngay đầu tháng 10.
Nhưng lo ngại nhất là việc di chuyển, kết nối các điểm đến xanh, bởi quy định phòng dịch mỗi địa phương một khác. DN của ông đang tính cách, với các địa phương không cởi mở, sẽ cho xe đi vượt qua, đi không dừng để đảm bảo hành trình.
Nhiều DN còn thận trọng
Gần 2 năm bị bào mòn, kiệt quệ vì Covid-19, đợt khôi phục du lịch nội địa lần này cho thấy sự thận trọng của nhiều DN. Ông Nguyễn Công Hoan lý giải, để hoạt động, họ phải khởi động lại từ đầu, như mở văn phòng, tuyển nhân sự, lên kế hoạch xây dựng sản phẩm và xúc tiến quảng bá,…
Song, rủi ro có thể ập đến bất cứ lúc nào. Ví như đang triển khai, địa phương thấy xuất hiện ca F0 là lập tức “đóng băng” mọi hoạt động thì DN chỉ biết kêu trời.
Tại một tọa đàm về khôi phục du lịch nội địa mới đây, ông Nguyễn Văn Hậu, CEO Thiên Phước Travel (Hà Nội), cũng bày tỏ, nếu dịch chưa được kiểm soát thì bản thân ông là người làm du lịch lâu năm cũng không dám mạo hiểm đầu tư, vì “đùng một cái” dịch bùng phát, các điểm đến đóng cửa rất nhanh nên du lịch trở tay không kịp. Điều đó rất nguy hiểm, ông nói.
Theo một giám đốc lữ hành, thực tế, kể cả khi dịch được kiểm soát, có rất nhiều nhà hàng, nhà xe chần chừ không chịu mở lại, điều đó được chứng minh vào tháng 7/2020.
Một báo động nữa là vấn đề nhân sự, bởi trong số hơn 2 triệu lao động trực tiếp của ngành du lịch, hầu hết đã chuyển sang nghề khác.
Vì thế, Giám đốc Công ty du lịch Asia Sun Travel, bà Lê Thanh Thảo, nhận thấy rằng, khi khởi động lại du lịch nội địa lần này, các DN có vẻ thờ ơ hơn vì sức cùng lực cạn. Đơn vị nào còn lương thực thì “ngủ đông” tiếp, chờ “núi băng” tự tan và thấy thực sự chắc chắn, còn DN nào quyết định đi tiếp thì phải chọn đi đường vòng.
Kích thích người dân đi du lịch bằng gì?
Ông Hoan phân tích, 3 lần trước đây, chúng ta kích cầu du lịch nội địa, tức kích thích người dân đi du lịch, thông qua các chương trình giảm giá và ưu đãi về dịch vụ. Bao giờ du khách cũng có tâm lý trông chờ sự giảm giá, và lần này cũng khó tránh.
Tuy nhiên, theo ông Vũ Thế Bình, sẽ không thể có chuyện giảm giá nữa, thậm chí còn cao hơn trước, do các DN lữ hành và hãng hàng không, cơ sở dịch vụ đã cạn kiệt dòng tiền, rơi vào thảm cảnh. Hơn nữa, những chi phí phát sinh để đảm bảo an toàn như xét nghiệm, trang bị y tế,… khiến giá tour không thể thấp.
Do đó, khách du lịch đừng trông đợi vào điều này – ông Hoan khẳng định.
Chưa kể, đến nay, hàng không cũng chưa công bố kế hoạch bán vé máy bay, tần suất bay như thế nào. Nếu khách ít, số lượng chuyến bay hạn chế, rất có thể các hãng sẽ tăng thu từ giá vé để bù chi, đây cũng là nỗi lo của ngành du lịch. Vậy, chúng ta sẽ kích thích nhu cầu đi du lịch của người dân trong nước bằng yếu tố gì là điều vị giám đốc này trăn trở.
Theo Ngọc Hà