Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh khi kết luận diễn đàn ‘Xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch nông thôn thông qua chuyển đổi số’ sáng 2/10.

Thứ trưởng Bộ NN- PTNT Trần Thanh Nam và Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt chủ trì diễn đàn.

Diễn đàn “Xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch nông thôn thông qua chuyển đổi số” sáng 2/10 được tổ chức trực tuyến dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ NN- PTNT Trần Thanh Nam và Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt.

Hiện nay, du lịch nông thôn đóng vai trò quan trọng trong tổng thể phát triển du lịch Việt Nam, trong tổ chức không gian, kết nối với đô thị và các trung tâm du lịch, góp phần mở rộng phạm vi không gian và kéo dài thời gian lưu trú của khách.

Nông thôn Việt Nam sở hữu nguồn tài nguyên tự nhiên và nhân văn phong phú, như văn hóa truyền thống, bản sắc cộng đồng, cảnh quan hoang sơ… là những yếu tố quan trọng để hình thành điểm đến và sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn du khách.

Diễn đàn “Xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch nông thôn thông qua chuyển đổi số” sáng 2/10 được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Ảnh mang tính minh họa.

Phát triển du lịch nông thôn trong Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 được xác định là một trong những động lực đem lại việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn đồng thời bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường.

Phát triển du lịch nông thôn hiệu quả sẽ góp phần thực hiện đồng thời hai mục tiêu chính trị quan trọng là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới bền vững.

11h30

Sản phẩm du lịch phải kết tụ được giá trị nhân văn, văn hóa của địa phương

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam: “Sẽ bổ sung tiêu chí về quy hoạch du lịch khi xây dựng nông thôn mới”.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, sau diễn đàn, Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp với Bộ VH-TT-DL để có những chương trình sát với mục tiêu mà các đại biểu đã nêu ra ngày hôm nay. Có thể thấy, du lịch nông thôn đang là xu thế, cần khai thác hiệu quả, điều cần làm là kết nối và quảng bá sản phẩm cho các địa phương.

“Các mô hình du lịch nông thôn rất đa dạng nhưng cần phải có điểm chung là đảm bảo được giá trị nhân văn, văn hóa, mang sắc thái của từng địa phương”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.

Theo ông, dù có thể mỗi ngành có chức năng khác nhau nhưng điểm chung là cần phát huy được thế mạnh địa phương để tạo ra giá trị, nâng cao đời sống cho người nông dân. Đề cập đến vấn đề quy hoạch nông thôn, Thứ trưởng khẳng định sẽ bổ sung tiêu chí về quy hoạch du lịch khi xây dựng nông thôn mới.

Xung quanh vấn đề hạ tầng du lịch nghỉ dưỡng và đào tạo nghiệp vụ, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng cần được đẩy mạnh, hỗ trợ với sự tham gia của các đơn vị lữ hành.

“Các sản phẩm du lịch phải kết tụ được giá trị nhân văn, giá trị văn hóa của từng địa phương để tạo ra điểm nhấn khác biệt cho từng địa phương cho dù cùng một vùng địa lý, nâng cao giá trị cho sản phẩm”, đại diện Bộ NN-PTNT nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng nhấn mạnh cần phát triển các sản phẩm OCOP có giá trị gắn liền với đặc điểm của từng địa phương, tạo ra những đặc sản phục vụ cho du lịch và cần quan tâm đến cả chất lượng lẫn mẫu mã.

Về xây dựng bản đồ du lịch trên nền tảng công nghệ số, ông Trần Thanh Nam bày tỏ sự ủng hộ và cho biết sẽ có những đề án riêng vấn đề này.

11h15

6 yếu tố cần lưu ý để có thể phát triển du lịch nông thôn thông qua chuyển đổi số

Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Đoàn Văn Việt đưa ra 6 yếu tố cần lưu ý để có thể phát triển du lịch nông thôn thông qua chuyển đổi số.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Đoàn Văn Việt nhận định chủ đề xúc tiến, quảng bá du lịch nông nghiệp nông thôn đã nhận được nhiều sự quan tâm. Diễn đàn đã đón nhận những kiến thức, những trăn trở với tinh thần tích cực của các doanh nghiệp, đơn vị cũng như những nhà nghiên cứu.

Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho rằng đây là những kinh nghiệm quý báu cho ngành du lịch. “Diễn đàn cũng thể hiện sự năng động để bắt kịp nhu cầu phát triển của thời đại thông qua tư thế sẵn sàng phát triển ngành du lịch chung cả nước không chỉ của những doanh nghiệp lớn mà còn của các cơ sở, doanh nghiệp vừa và nhỏ”, Thứ trưởng đánh giá.

Thông qua Diễn đàn, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho rằng việc các hộ nông dân, các cơ sở chuẩn bị để tăng cường hiệu quả chuyển đổi số trong du lịch nông thôn rất quan trọng.

Lãnh đạo Bộ VH-TT-DL đưa ra 6 yếu tố cần lưu ý để có thể phát triển du lịch nông thôn thông qua chuyển đổi số.

Thứ nhất, việc Bộ NN-PTNT quảng bá du lịch nông thôn thông qua ứng dụng chuyển đổi số là cách làm rất hay. Thời gian tới cần có sự đầu tư bài bản.

Thứ hai, từ sự khác biệt tính chất giữa nông thôn và đô thị, chúng ta cần có những giải pháp chuyển đổi số một cách phù hợp. Các sản phẩm công nghệ từ nhà đầu tư phải hỗ trợ tối đa cho người nông dân một cách thuận tiện, dễ hiểu, dễ làm nhất.

Thứ ba, thời gian qua có nhiều ý kiến cho rằng những sản phẩm nông nghiệp đang gặp phải sự trùng lặp. Từ đó, nếu muốn nâng cao chất lượng du lịch nông thôn, thông qua chuyển đổi số chúng ta có thể hỗ trợ, chọn lựa những mô hình, trào lưu mới.

Thứ tư, du lịch nông nghiệp nông thôn cần tận dụng nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Từ đó các địa phương cần có những kiến nghị để có thể phát triển ngành du lịch nông thôn bản địa.

Thứ năm, các doanh nghiệp du lịch cần đầu tư chuyển đổi số, nâng cao tăng cường năng lực, kết nối cho người nông dân phát triển du lịch nông thôn.

Thứ sáu, bên cạnh việc thận trọng mở lại các hoạt động du lịch, chúng ta cần tập trung phát triển vào những điểm du lịch xanh. Trước mắt sẽ thí điểm đón khách ở Phú Quốc.

11h00

Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Ngọc Thạch phát biểu tại diễn đàn.

Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Ngọc Thạch cảm ơn những ý kiến đóng góp từ Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam và Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Đoàn Văn Việt.

Thay mặt diễn đàn, ông Thạch hứa lắng nghe, ghi nhận và tổng hợp ý kiến, nhằm phát triển du lịch nông thôn gắn với chuyển đổi số trong thời gian tới. Theo ông Thạch, nhiều địa phương có nhu cầu tổ chức diễn đàn.

Ở diễn đàn phiên thứ 6 vào tuần tới, nội dung sẽ là về kết nối, tiêu thụ nông sản tại Bình Dương.

10h30

Lâm Đồng đẩy mạnh phát triển du lịch canh nông

Ảnh minh họa: YouTube.

Ông Nguyễn Văn Hùng – Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư thương mại và Du lịch Lâm Đồng, chia sẻ: Lâm Đồng có hơn 61.000ha canh tác nông nghiệp công nghệ cao, đứng đầu trong cả nước. Với lợi thế đó tỉnh Lâm đồng đã khuyến khích người dân phát triển mô hình du lịch canh nông. Loại hình này đang là một trong những sản phẩm du lịch đặc thù phát triển của tỉnh.

Sản phẩm du lịch canh nông được phát triển tạo nên mối quan hệ giao hòa giữa con người với thiên nhiên, văn hóa và giữa các vùng đô thị và nông thôn thông qua việc tổ chức các tour du lịch đến ở, hoặc tham quan có mục đích thưởng ngoạn tại các gia trại, nông trại, trang trại…

Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ của tổ chức JICA – Nhật Bản, tỉnh đã xây dựng thương hiệu “Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” – đây là thương hiệu dùng để quảng bá các hình ảnh du lịch canh nông đến với khách du lịch trong và ngoài nước. Đến nay, đã có 10 đơn vị du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh được cấp nhãn hiệu chứng nhận “Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”.

Sau khi Đề án thí điểm xây dựng các mô hình du lịch nông nghiệp trên địa bàn tỉnh được ban hành, mỗi năm phát hành bản đồ, video clip về các mô hình du lịch canh nông phát hành miễn phí để quảng bá, giới thiệu các điểm du lịch canh nông trên địa bàn toàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh đã có 33 mô hình du lịch canh nông được công nhận để đưa vào phục vụ khách tham quan, trải nghiệm, mang lại hiệu quả kinh tế.

Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng, việc phát triển du lịch canh nông hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế nhất định, chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh vốn có của địa phương. Sự hợp tác giữa doanh nghiệp lữ hành và các điểm đến cung cấp hoạt động du lịch canh nông còn hạn chế. Nhiều điểm du lịch canh nông gặp khó khăn trong việc kết nối với doanh nghiệp lữ hành để hoàn thiện, xây dựng sản phẩm du lịch canh nông cũng như thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.

Phần lớn hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách mang tính tự cung, tự cấp, do các hộ gia đình tự sản xuất nên không có thương hiệu. Mẫu mã, bao bì chưa hấp dẫn khách du lịch.

Để sản phẩm du lịch canh nông phát triển trong thời gian tới, các điểm du lịch canh nông cần đáp ứng các nhu cầu về sự mới lạ và tính hiện đại của các quy trình sản xuất, năng suất và chất lượng các sản phẩm nông nghiệp.

Các hoạt động sản xuất nông nghiệp đại trà, sản xuất tại các điểm du lịch canh nông không những phải luôn thay đổi mà cần phải đi tiên phong trong việc ứng dụng những thành tự mới nhất của khoa học nông nghiệp.

10h20

Đề xuất số hóa, đưa các điểm du lịch nông thôn vào bản đồ du lịch

Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Phó GĐ Sở NN-PTNT Ninh Bình, cho biết, tỉnh có địa hình đa dạng, từ biển đến núi và truyền thống văn hóa đặc sắc, lâu đời, nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, ví dụ như khu du lịch sinh thái Tràng An.

Ngoài cảnh quan thiên nhiên, tỉnh có gần 1.800 khu di tích và trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn trên toàn quốc. Trong giai đoạn 2015-2020, ngoài các sản phẩm du lịch truyền thống, du lịch nông thôn đã được phát triển, dựa trên những lợi thế tự nhiên của tỉnh, trong đó có 1 sản phẩm OCOP cộng đồng.

“Trong tương lai, tỉnh xem phát triển du lịch, xây dựng nông thôn mới là trọng tâm, trong đó chuyển đổi số sẽ là giải pháp chính”, bà Nguyễn Thị Lan Anh cho biết thêm. Theo đó, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp và xác định sống chung với dịch để phát triển kinh tế, vấn đề chuyển đổi số sẽ là giải pháp hữu hiệu. Ví dụ như đẩy mạnh quảng bá, thu hút trên các mạng xã hội, xây dựng các trạm wifi miễn phí cho du khách.

Theo Phó GĐ Sở NN-PTNT tỉnh, người dân Ninh Bình đã chuyển đổi một số mô hình trồng cây kém hiệu quả chuyển sang du lịch, đưa những vùng trồng màu không hiệu quả sang trồng dược liệu, hoa để thu hút khách du lịch.

Bên cạnh đó, nhiều huyện của Ninh Bình đang phát triển các hình thức du lịch trải nghiệm làm nông dân ở các làng nghề. Tuy nhiên, Ninh Bình vẫn còn một số vấn đề cần giải quyết như quy mô nhỏ lẻ, chưa đồng bộ và việc ứng dụng công nghệ mới ở trạng thái cơ bản, chưa ứng dụng được triệt để.

“Phát triển du lịch nông thôn chính là bài toán giải quyết vấn đề nâng cao thu nhập cho người dân ở nông thôn”, bà Nguyễn Thị Lan Anh nhấn mạnh.

Trong tương lai, bà Nguyễn Thị Lan Anh cho biết, trên cơ sở phát huy lợi thế của địa phương, tỉnh sẽ khai thác, xây dựng các sản phẩm du lịch nông thôn, gắn với truyền thống, văn hóa của địa phương. Về địa điểm, tỉnh sẽ xây dựng gần các khu du lịch truyền thống để dễ kết hợp tour, chọn những nơi có cảnh quan phù hợp, có sản phẩm đặc trưng để du khách có thể mua làm quà.

Về đề xuất, Ninh Bình đề nghị đưa các điểm du lịch nông thôn vào bản đồ du lịch và cần được số hóa để du khách dễ tham khảo. Bên cạnh đó, cần có sự liên kết của các trang trại, gia trại với các cơ sở du lịch để tạo thành chuỗi liên kết.

10h10

Tận dụng du lịch để phát triển nông nghiệp và ngược lại

Theo ông Phil Harman, Cố vấn trưởng Dự án “Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch” (GREAT), thời gian tới Bộ NN-PTNT và các Công ty lữ hành sẽ có những cơ hội hợp tác phát triển du lịch nông thôn thông qua chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

“Hiện nay chúng tôi đang triển khai những dự án nâng cao năng lực sử dụng công nghệ cho những hộ nông thôn, những mô hình kinh doanh du lịch tại vùng nông thôn. Ví dụ như ‘Mộc Châu – điểm đến thông minh’, chúng tôi đã hỗ trợ địa phương về đặt phòng trực tuyến, thông qua ứng dụng có thể cung cấp thông tin về địa điểm trải nghiệm”, ông Phil Harman chia sẻ.

Ông Phil Harman cũng cho biết Dự án GREAT hướng đến cả 2 yếu tố du lịch và nông nghiệp. Từ đó Việt Nam có thể tận dụng được những điểm đến du lịch để phát triển nông nghiệp và ngược lại. Từ đó có thể kết nối những sản phẩm nông sản nổi bật tới du khách thông qua những điểm du lịch.

10h00

Chú trọng phục vụ cho du khách nội địa

Nhiều hoạt động du lịch trong nước thu hút khách nội địa tham gia, góp phần kích cầu du lịch. Ảnh minh họa: VGP/Thiện Tâm.

Bà Phan Yến Ly, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển của công ty Say Cheese cho rằng, du lịch nông thôn giúp cho ngành nông nghiệp có thêm một sản phẩm mới. Đây cũng là sản phẩm đem tới nguồn lợi cao và có xu hướng phát triển nhanh trên thế giới.

Theo bà Ly, các doanh nghiệp Việt Nam vốn đã có thói quen sử dụng chuyển đổi số. Nhưng một số nền tảng cao cấp hơn như trí tuệ nhân tạo (AI), block chain… thì các đơn vị lữ hành, hay trang trại nông thôn chưa thể làm được.

Trên góc nhìn của một nhà nghiên cứu, phát triển bà Ly kêu gọi các đơn vị du lịch tăng cường liên kết. Ngoài hợp tác theo chiều ngang, bà Ly cũng kêu gọi các công ty du lịch, lữ hành tìm phương án kết nối với những khu nông nghiệp. Qua đại dịch vừa qua, những liên kết này bị đứt gãy, khiến việc phát triển trở nên nhỏ lẻ, manh mún.

Vấn đề thứ hai, bà Ly đưa ra là định hướng phát triển những sản phẩm thực tế ảo, nhằm giúp du khách phát triển trải nghiệm. Tuy nhiên, đây là một vấn đề lớn, cần chính sách và giải pháp căn cơ từ cơ quan quản lý, bởi doanh nghiệp thiếu nguồn lực, dữ liệu để xây dựng. Xây dựng những trải nghiệm thực tế ảo, theo bà Ly, có tiềm năng thương mại hóa. Bởi đây là thứ tạo ấn tượng đầu tiên để thu hút du khách.

“Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển du lịch nông thôn. Tuy nhiên, hiện tại chúng ta gặp những điểm nghẽn như lượng khách lẻ tẻ, các sản phẩm chưa thích ứng được với công tác marketing, chuyển đổi số”, bà Ly nhận xét.

Để thay đổi, bà Ly kêu gọi các công ty lữ hành và những đơn vị phát triển du lịch nông thôn phải thổi hồn được vào những sản phẩm, chạm được vào trái tim du khách. Ngoài ra, những sản phẩm xây dựng dựa trên chuyển đổi số cần được thiết kế đồng bộ với sản phẩm thực tế.

Vấn đề cuối cùng, bà Ly lưu ý là tỷ trọng khách du lịch đang chuyển dịch, nghiêng dần về phía nội địa hóa. Đây là xu hướng sẽ kéo dài trong khoảng một năm nữa. Do đó, các đơn vị khai thác du lịch nông thôn cần tìm hiểu, nghiên cứu sâu hơn về thị hiếu của khách Việt, bởi từ trước đến nay, các điểm du lịch được xây dựng chủ yếu để phục vụ khách nước ngoài.

9h50

Phát triển nông sản thành ẩm thực phục vụ cho du lịch lữ hành

Ông Lã Quốc Khánh, thành viên HĐQT Công ty Vietravel đề xuất đẩy mạnh việc phát triển từ nông sản thành ẩm thực (Ảnh minh họa).

Đồng tình với những ý kiến của các đại biểu tại Diễn đàn, ông Lã Quốc Khánh, thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam (Vietravel), cho rằng sự thống nhất trong những chia sẻ sẽ là bài học kinh nghiệm cho các doanh nghiệp, địa phương phát triển du lịch.

Ông Lã Quốc Khánh thông tin: Theo báo cáo toàn cầu về du lịch ẩm thực, trong các chương trình du lịch dữ hành, 1/3 ngân sách của du khách là dành cho những bữa ăn.

“Thế nên chúng ta cần đẩy mạnh việc phát triển từ nông sản thành ẩm thực. Văn hóa ẩm thực tại các vùng nông thôn sẽ là nguồn tiêu dùng tại chỗ để phục vụ trải nghiệm cho du khách”, đại diện Vietravel phát biểu.

Cũng theo ông Khánh, từ ngày 1/10, TP. HCM bắt đầu nới lỏng việc giãn cách xã hội.

Ông Lã Quốc Khánh cho rằng thời kì hậu Covid-19, du lịch nông thôn là một trong những sản phẩm cần được triển khai sớm. Để nâng cao sức hấp dẫn của các mô hình du lịch nông thôn, Vietravel đã áp dụng và cung ứng nền tảng công nghệ thông tin phục vụ cho khách hàng.

Phía công ty cũng tăng cường công nghệ AI để tạo hấp dẫn cho du khách; đồng thời xây dựng hộp chat trí tuệ nhân tạo để thu thập thị hiếu của người du lịch. “Nếu tất cả các doangh nghiệp, địa phương cùng làm, cùng chia sẻ thì khách hàng sẽ là người được hưởng thụ những lợi ích đó”, ông Lã Quốc Khánh bày tỏ.

Tại diễn đàn, đại diện Vietravel đề nghị để có thể phát triển ngành du lịch một cách bền vững, các địa phương cần có sự quy hoạch, đánh giá cụ thể vì chủ thể kiến tạo chính vẫn là chính quyền địa phương.

Bên cạnh đó, ông Khánh cho rằng những làng du lịch nông thôn hiện nay vẫn còn manh mún, chưa thể phát triển thành nền kinh tế du lịch. Ngoài việc tạo dựng sự hấp dẫn tiện nghi, các địa phương cần mô hình hóa làng du lịch nông thôn.

Song song, ông Khánh cho rằng muốn khôi phục nền du lịch thì việc đầu tiên là phải đẩy mạnh tiêm vacxin, tạo miễn dịch cộng đồng theo tinh thần “An toàn mới mở cửa du lịch, mở cửa du lịch phải an toàn”.

Đồng tình với đại diện Vietravel, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng thời gian tới có thể xây dựng điểm du lịch xanh, đảm bảo an toàn cho du khách. Ngoài ra Thứ trưởng nhấn mạnh ngành du lịch cần có một sự kiện đột phá sau dịch. Đó sẽ là điểm nhấn của du lịch nông thôn.

9h40

Chuẩn hoá các điểm du lịch, sản phẩm du lịch trước khi chuyển đổi số

Bà Trần Phương Linh – Giám đốc Marketing Công ty Du lịch Bến Thành, cho biết 2 năm qua công nghệ số là phương tiện kết nối của các đơn vị lữu hành với đối tác, từ các điểm du lịch đến khách hàng. Dựa vào công nghệ số, phía công ty đã có dữ liệu và công cụ để phân tích nhu cầu, thói quen, hành vi của du khách và tổ chức marketting hiệu quả.

Tuy nhiên, bà Trần Phương Linh cho rằng, trước khi nghĩ tới việc chuyển đổi số, thì việc chuẩn hoá các điểm du lịch, sản phẩm du lịch là rất cần thiết. Hiện nay, nhiều điểm du lịch nông nghiệp – nông thôn có hạn chế là người người, nhà nhà làm du lịch một cách tự phát. Từ đó dẫn đến sự không đồng đều của các điểm du lịch, cụm du lịch. Và một số điểm du lịch chưa đạt yếu tố về an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, do cách làm du lịch tự phát nên chưa có sự thống nhất của cơ quan chủ quản, ban, ngành, địa phương, từ đó việc đầu tư kém hiệu quả và chưa đồng bộ.

Để giải quyết vấn đề này, bà Linh đề xuất, cần có sự chung tay sát cánh giữa các cơ quan chính quyền, các đơn vị liên quan để đưa ra các chính sách, định hướng phát triển du lịch. Như vậy, bức tranh du lịch nông thôn – nông nghiệp sẽ sáng hơn.

“Ngoài ra, cần đầu tư bài bản hơn để khai thác các giá trị tài nguyên, bản sắc văn hoá và đặc thù của từng địa phương, tạo sự hấp dẫn với du khách”, bà Linh nói.

9h30

Xây dựng bản đồ số, tạo các cột wifi miễn phí giúp du khách tăng tương tác

Hình ảnh cắt ra từ clip trải nghiệm Bản đồ du lịch số ở Sa Đéc. Ảnh: YouTube Truyền hình Đồng Tháp.

Theo ông Trần Thanh Hùng, Chủ nhiệm Hội quán cùng nhau làm du lịch tại TP Sa Đéc, Hội quán được thành lập 3/2019, từ 15 thành viên ban đầu đến nay đã có 27 thành viên, chuyên hoạt động về các lĩnh vực du lịch: điểm đến, homestay, lữ hành… Khách đến du lịch sẽ được nghe hướng dẫn viên giới thiệu về từng loại hoa cảnh của làng hoa Sa Đéc và hội quán đang hướng tới mục tiêu xây dựng cộng đồng du lịch thông minh.

Hiện nay, các thành viên hội quán đã sẵn sàng để quay lại hoạt động sau dịch Covid-19, phối hợp với các đối tác để kích cầu du lịch và tập huấn cho nhân viên, hướng dẫn viên về kỹ năng phục vụ trong tình hình mới. Ngoài ra, hội quán đã ứng dụng công nghệ số trong quảng cáo, đưa marketing lên các mạng xã hội lớn như Booking, Traveloka, Airbnb… và ứng dụng công nghệ vào thanh toán, hậu mãi.

Trong tương lai, hội quán kiến nghị các cơ quan chức năng xây dựng được bản đồ số về du lịch, tạo các cột wifi miễn phí để giúp du khách tăng khả năng tương tác, quảng bá trên mạng xã hội khi du lịch tại địa phương.

9h15

Tạo thói quen cho người dân kết nối qua thực tế ảo, không gian mạng

Bà Nhữ Thị Ngần, Tổng giám đốc Hanoi Tourism cho biết, công ty đã ứng dụng chuyển đổi số từ nhiều năm nay. Phần lớn khách hàng công ty khai thác là từ công nghệ số. Tuy nhiên, trong thực tế triển khai, công ty gặp một số khó khăn trong việc phát triển du lịch nông thôn.

Lấy ví dụ về triển khai mô hình du lịch tại huyện Bình Liêu, Quảng Ninh, bà Ngần cho rằng đây là khu vực có nhiều thuận lợi phát triển du lịch. Chẳng hạn, 96% dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Tày, Sán Chỉ, Dao.

Ngoài ra, vùng này cũng trồng nhiều dược liệu, trong đó có sản phẩm nổi tiếng là miến rong Bình Liêu. Tuy nhiên, Hanoi Tourism vẫn gặp một số khó khăn trong khai thác du lịch nông thôn ở Bình Liêu. Cụ thể, rào cản về ngôn ngữ, hoặc những sản phẩm OCOP, đặc sản, đặc trưng của địa phương lại chưa đảm bảo việc đóng gói, bảo quản, vận chuyển.

“Khảo sát trên khoảng 11.000 khách hàng của Hanoi Tourism, rất nhiều người quan tâm đến du lịch tại vùng xanh, nông thôn. Họ sẵn sàng du lịch ngay sau giãn cách. Điều chúng ta cần là tạo ra sản phẩm thực sự hấp dẫn”, bà Ngần nói.

Một vấn đề nữa, là quy hoạch phát triển, xây dựng nông thôn mới. Bà Ngần nêu thực tế, là một số nơi, nông thôn mới phát triển quá nhanh. Người dân bỏ nhiều văn hóa truyền thống, để “bê tông hóa”, “đô thị hóa”, khiến trải nghiệm của du khách suy giảm.

Để khai thác bền vững các giá trị trong du lịch nông thôn, bà Ngần kiến nghị cơ quan quản lý phối hợp chặt chẽ, tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu, phát triển những giá trị thặng dư như truy xuất được nguồn gốc đặc sản, sản phẩm OCOP, sản phẩm bán đồng giá…

“Chúng ta phải giữ được bản sắc và tạo thói quen để người dân kết nối qua thực tế ảo, không gian mạng. Địa phương cần xây dựng chương trình đào tạo cho bà con, tránh tình trạng ‘bê tông hóa’ kiến trúc, văn hóa”, bà Ngần nhấn mạnh.

8h55

Xây dựng một nền tảng chung quảng bá du lịch nông nghiệp – nông thôn

Hiện trạng cơ bản ứng dụng công nghệ quảng bá du lịch nông nghiệp – nông thôn. Ảnh: Saigon Asset.

Theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa – Giám đốc Công ty Saigon Asset: Hiện nay mô hình du lịch nông nghiệp – nông thôn Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh. Nhìn vào các quốc gia phát triển trên thế giới, Nhật Bản, Đài Loan đã phát triển loại hình du lịch này, qua đó đem lại giá trị lớn không chỉ về tài chính mà còn thay đổi thói quen sống của người dân, văn minh nông thôn, hỗ trợ phát triển nông nghiệp, giáo dục.

Tuy nhiên, ở nước ta, vấn đề du lịch nông nghiệp – nông thôn phần lớn là do người dân địa phương tham gia và phát triển sản phẩm dịch vụ liên quan đến du lịch. Họ chưa có đủ điều kiện tiếp cận công nghệ mới để ứng dụng quảng bá sản phẩm của mình. Nếu đầu vào thiếu thông tin thì đầu ra (là đơn vị lữ hành và khách du lịch) cũng sẽ thiếu thông tin để có thể đăng ký tour.

Trong các kênh quảng bá du lịch phổ biến hiện nay, phổ biến có 4 nền tảng gồm: mạng xã hội, website, công nghệ thực tế ảo và các App.

Theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa, thực trạng hiện nay các nền tảng quảng bá du lịch nông nghiệp – nông thôn không kết nối được với nhau, không tập trung. “Nên ý tưởng của chúng tôi là cần xây dựng một nền tảng chung, trang thông tin kết nối tất cả điểm lẻ tẻ này, cộng với ứng dụng công nghệ mới là công nghệ thực tế ảo và App thì mới hỗ trợ tốt cho quảng bá các sản phẩm, dịch vụ du lịch”, ông Nghĩa nói.

Phía Công ty Saigon Asset tham vọng xây dựng bản đồ quốc gia tập trung hoá tất cả thông tin chuyên trang du lịch nông nghiệp – nông thôn, trong đó phân nhóm từng vùng phát triển. Đầu tiên là chọn tỉnh nào đó để làm mô hình mẫu, sau đó đến vùng địa lý, miền địa lý và cấp quốc gia.

Ví dụ, với mô hình quảng bá du lịch nông nghiệp – nông thôn của khu vực ĐBSCL là mô hình điển hình. Trong chuyên trang có mục giới thiệu, bản đồ số hoá với các tour, các sản phẩm quà nông sản. Nếu đi vào từng vị trí sẽ có từng điểm du lịch nông nghiệp – nông thôn đã được cơ quan quản lý xét duyệt một cách cẩn thận và cập nhật lên trang.

Ngoài ra, cần bổ sung thêm một trang thông tin nữa để xúc tiến quảng bá du lịch nông sản. Nó là hội chợ nông sản thực tế ảo được tích hợp trong một văn phòng thật đặt tại các tỉnh. Định kỳ hàng tuần, hàng tháng có một hội chợ thực tế ảo, từ đó chúng ta vừa kết nối được các đơn vị lữ hành, địa phương và người dân để cung ứng sản phẩm, dịch vụ du lịch.

8h40

3 đề xuất để phát triển du lịch nông thôn

Du khách trải nghiệm du lịch làng nghề truyền thống (Ảnh minh họa).

Theo ông Lê Bá Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam Vietcraft, hiện nay du lịch nông thôn, sinh thái chiếm khoảng 10% tỷ lệ du lịch và cho doanh thu khoảng 30 tỷ USD/năm trên toàn cầu. Ngoài ra, tỷ lệ tăng trưởng của du lịch nông thôn hàng năm vào khoảng 10-30%, trong khi du lịch truyền thống chỉ là 4%.

Việt Nam hiện có 3 loại hình du lịch nông thôn, đó là du lịch cộng đồng, du lịch canh nông và du lịch sinh thái. Cụ thể, cả nước có khoảng 365 điểm du lịch nông thôn và hơn 2.000 làng nghề truyền thống có tiềm năng về du lịch. Đại diện của Vietcraft cho rằng, việc chuyển đổi số trong du lịch nông thôn sẽ giúp thu hút được thêm du khách, hỗ trợ du khách chuẩn bị chuyến đi dễ dàng hơn, cung cấp dịch vụ tốt hơn và nắm được hành vi của khách hàng.

Với những mục tiêu trên, ông Lê Bá Ngọc đưa ra 3 đề xuất để phát triển du lịch nông thôn, đầu tiên là cho phép kết hợp với các tổ chức quốc tế để xúc tiến và quảng bá các sản phẩm du lịch nông thôn của Việt Nam.

Đề xuất thứ 2 là cho phép Vietcraft phối hợp với Bộ NN-PTNT, một số tỉnh thực hiện xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch nông thôn thông qua chuyển đổi số cho 6 mô hình tiêu biểu, gồm: mô hình du lịch cộng đồng; mô hình du lịch nông nghiệp; mô hình du lịch sinh thái gắn với các khu bảo tồn, vườn quốc gia; mô hình du lịch làng nghề; mô hình du lịch làng thông minh; và mô hình du lịch không phát thải.

Đề xuất cuối cùng ông Lê Bá Ngọc đưa ra là Bộ NN-PTNT và Bộ VH-TT-DL cho phép và phối hợp thực hiện việc xây dựng cơ sở dữ liệu số hóa quốc gia các giá trị văn hóa vật thể và phí phục vụ phát triển du lịch của 54 dân tộc Việt Nam để đạt được mục tiêu đến năm 2025 có 50% làng nghề truyền thống tham gia vào chuỗi giá trị du lịch nông thôn.

8h25

Nghiên cứu tạo ra một sản phảm trải nghiệm sẵn trên không gian mạng

Chuyển đổi số không phải vấn đề mới trong việc xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch nông thôn (Ảnh minh họa).

Khi công nghệ bùng nổ, chuyển đổi số đã gắn chặt với du lịch, bởi bản chất của người sử dụng cuối đều thích những trải nghiệm mới, thứ mà cả công nghệ lẫn du lịch đều mang lại.

“Giá trị nhân văn mang đến chiều sâu văn hóa, trong khi chuyển đổi số là xu hướng của thời đại công nghệ. Lồng ghép hai yếu tố này là cần thiết, nhưng phải chuẩn bị hệ thống kỹ lưỡng, chu đáo để phát triển du lịch nông thôn”, PGS.TS. Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn TP. HCM cho biết.

Theo bà Lan, chuyển tải giá trị nhân văn là yếu tố giúp du lịch nông thôn bền vững. Từ nhiều năm nay, các địa phương đều đã có phương án phát triển hướng đi này, chẳng hạn như xây dựng, khai thác những phong tục, danh lam thắng cảnh, sản phẩm đặc thù, đặc hữu tại ĐBSCL, miền núi phía Bắc.

Để mang đến những trải nghiệm du lịch nông thôn đặc sẵn, hấp dẫn, bà Lan khuyên địa phương xây dựng những sản phẩm đặc sắc, độc đáo, mang giá trị cốt lõi là giá trị nhân văn. Trên những cơ sở như đặc điểm tự nhiên, khí hậu, các tỉnh, thành phố sẽ tạo ra những sản phẩm mang tính duy nhất. Nếu làm được, địa phương sẽ dễ quảng bá sản phẩm.

Song song với chuyển tải giá trị nhân văn, bà Lan lưu ý vấn đề chuyển đổi số. Trong thời đại 4.0, kết nối qua không gian mạng giúp làm mờ khoảng cách địa lý, cũng như tạo ra những ấn tượng, trải nghiệm ban đầu cho du khách.

“Chúng ta phải phát huy tối đa tương tác giữa khách du lịch và những sản phẩm du lịch; đồng thời phải có một thông điệp rõ ràng về cách thức thể hiện văn hóa trên không gian mạng”, bà Lan nói.

Bà Lan gọi mô hình này là “vòng tròn văn hóa”. Nó là trung tâm đẩy mạnh tương tác, giúp kết nối các bên liên quan, và tạo ra những cảm thức về du lịch nông thôn cho cộng đồng. Bà cũng gợi mở ý tưởng, là địa phương có thể nghiên cứu tạo ra một sản phảm trải nghiệm sẵn trên không gian mạng.

Nhằm tạo ra sức bật, đưa du lịch nông thôn phát triển nội lực, bà Lan nêu một số giải pháp. Một, là xây dựng những câu chuyện về giá trị nhân văn tại địa phương. Hai, là phát triển một bộ thuyết minh cho các tuyến du lịch. Ba, là tạo ra những hình ảnh, hoặc biểu tượng về những nét văn hóa, lịch sử đặc thù, đặc hữu. “Dựa trên bộ dữ liệu này, địa phương sẽ tạo ra những chất liệu để thiết kế trên không gian mạng”, bà Lan kết luận.

8h15

Hỗ trợ thí điểm xây dựng mô hình Làng du lịch thông minh

Ông Nguyễn Lê Phúc – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch: “Xây dựng các ứng dụng công nghệ cho du lịch nông thôn cần có sự gắn kết với tổng thể du lịch Việt Nam, với khu vực đô thị và trung tâm gửi khách”.

Ông Nguyễn Lê Phúc – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, chia sẻ: Phát triển du lịch nông thôn trong Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 được xác định là một trong những động lực đem lại việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn đồng thời bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường.

Sản phẩm đặc sắc, mang đặc trưng, lợi thế của nông thôn, chất lượng cao và hướng tới thị trường nào là vấn đề quyết định sự thành công của du lịch nông thôn. Ứng dụng công nghệ là công cụ kết nối, giải pháp thúc đẩy đưa sản phẩm tới thị trường.

Theo ông Nguyễn Lê Phúc, phần lớn điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn có quy mô nhỏ lẻ, mang tính chất tự phát, chủ yếu do các hộ gia đình, hợp tác xã, tổ hợp tác khai thác nên hạn chế về năng lực, khả năng tiếp cận, ứng dụng công nghệ thấp hơn… so với các khu vực khác, do đó cần sự hỗ trợ của nhà nước, của các chuyên gia để chuyển đổi số ở khu vực nông thôn đi vào thực chất, hiệu quả.

Do đó, phải làm sao để thực hiện các kết nối và xây dựng các ứng dụng thuận tiện nhất để bà con nông dân ở những vùng nông thôn, vùng khó khăn có cơ hội tiếp cận công nghệ số, tiếp cận thị trường du lịch.

Cần tích hợp, liên thông, chia sẻ thông tin, phát triển các ứng dụng dùng chung cho phát triển du lịch nông thôn trên cơ sở kế thừa những nội dung đã có từ ngành du lịch, nông nghiệp nông thôn, chương trình OCOP, các địa phương, doanh nghiệp, hướng tới sự thống nhất chung, tránh chồng chéo, gây lãng phí tài nguyên.

Xây dựng các ứng dụng công nghệ cho du lịch nông thôn cần có sự gắn kết với tổng thể du lịch Việt Nam, với khu vực đô thị và trung tâm gửi khách. Từ đó tạo ra mạng lưới sản phẩm du lịch phong phú, hấp dẫn khách du lịch, hỗ trợ cho khai thác hiệu quả du lịch nông thôn.

Để phát triển du lịch nông thôn chuyên nghiệp, hiệu quả cần có chính sách thu hút khu vực tư nhân đầu tư cho phát triển công nghệ nói chung và ứng dụng công nghệ phát triển du lịch ở nông thôn nói riêng, thu lực lượng thanh niên nông thôn được đào tạo về công nghệ, du lịch trở lại phục vụ quê hương.

Vì vậy, Tổng cục Du lịch đề nghị Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ VH-TT-DL và các địa phương trong triển khai Chương trình MTQG về xây dựng NTM giai đoạn 2021- 2025, tiếp tục nghiên cứu, hỗ trợ thí điểm xây dựng mô hình Làng du lịch thông minh tại những nơi có điều kiện phát triển. Ưu tiên phát triển đồng bộ về cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật cho khu vực được thí điểm phát triển mô hình.

8h05

Tìm giải pháp thúc đẩy du lịch nông thôn

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, trong thời gian thực hiện các chỉ thị chống dịch thời gian qua, Bộ NN-PTNT đã nghiên cứu trong thực tiễn và thấy rằng kết nối nông sản từ sản xuất đến tiêu thụ là rất quan trọng, do đó cần có một diễn đàn trực tuyến để kết nối được thông tin đa chiều, giữa người sản xuất, người bán hàng và cả cơ quan quản lý nhà nước.

Theo Thứ trưởng, hiện nay, đa phần các điểm du lịch ở nông thôn đang hoạt động rất hiệu quả, được nhiều du khách quan tâm. Do đó, diễn đàn hôm nay được tổ chức để sau khi dịch lắng xuống và được kiểm soát ở một số địa phương thì du lịch sẽ được thúc đẩy.

Ngoài ra, qua diễn đàn, ban tổ chức cũng muốn lắng nghe các đề xuất, giải pháp, ý kiến của các doanh nghiệp các đơn vị tổ chức du lịch để tìm ra giải pháp thúc đẩy du lịch nông thôn.

Theo Nhóm PV

https://nongnghiep.vn/xuc-tien-quang-ba-san-pham-du-lich-nong-thon-thong-qua-chuyen-doi-so-d304074.html

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Zalo

viVietnamese