Tọa đàm trực tuyến “Thành phố Hồ Chí Minh: Mở cửa đón khách du lịch quốc tế và kiều bào an toàn, chu đáo” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức từ 15h ngày 23/12 để làm rõ các giải pháp giúp TPHCM mở cửa đón khách du lịch, kiều bào ta về nước an toàn, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần.

Tọa đàm trực tuyến “Thành phố Hồ Chí Minh: Mở cửa đón khách du lịch quốc tế và kiều bào an toàn, chu đáo” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức từ 15h ngày 23/12. Ảnh: VGP/Anh Đức

Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 334 về kết luận của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tại cuộc họp về khôi phục các chuyến bay thương mại quốc tế. Theo đó, Phó Thủ tướng đồng ý kế hoạch khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách với các địa bàn có hệ số an toàn cao. Thời gian thực hiện là từ 1/1/2022.

Trước đó, từ giữa tháng 11/2021, UBND TPHCM đã có công văn trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận xin thí điểm tổ chức đón khách quốc tế sử dụng “hộ chiếu vaccine” theo nguyên tắc “an toàn đến đâu, mở cửa đến đó, mở cửa thì phải an toàn” và phù hợp với chủ trương của Chính phủ.

Làm thế nào để Thành phố Hồ Chí Minh mở cửa đón khách du lịch, đón kiều bào ta về nước an toàn, nhất là trong dịp tết âm lịch sắp tới, thông tin về vấn đề này, Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức tọa đàm “Thành phố Hồ Chí Minh: Mở cửa đón khách du lịch quốc tế và kiều bào an toàn, chu đáo”.

Các vị khách mời tham dự Tọa đàm:

– Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch;

– Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM;

– Ông Phùng Công Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM;

– Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel);

– Bà Nguyễn Thị Thúy Bình, Phó Tổng Giám đốc Vietjet.

Cuộc tọa đàm đang phát sóng trực tiếp trên Cổng TTĐT Chính phủ, Báo Điện tử Chính phủ và trang fanpage Thông tin chính phủ, được tổng thuật trên Báo điện tử Chính phủ.

Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch: Nếu chúng ta chậm trễ trong việc mở lại thị trường bay quốc tế thì không những chúng ta mất đi cơ hội thu hút khách vào đúng thời điểm mà còn chậm trễ trong việc phục hồi những lĩnh vực khác và mất đi năng lực cạnh tranh của ngành du lịch cũng như của nền kinh tế Việt Nam. Ảnh: VGP/Anh Đức

Hai năm vừa qua, có thể nói là cơn bão tố với ngành du lịch. Với quyết định mở lại các đường bay thương mại quốc tế, ông kì vọng thế nào cho tương lai  tới đây của ngành du lịch nước nhà?

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịchNguyễn Trùng Khánh:Trong hai năm qua, từ tháng 3/2020 đến nay, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng hết sức tiêu cực đến mọi mặt đời sống xã hội, trong đó du lịch và hàng không là hai lĩnh vực bị ảnh hưởng đầu tiên và hết sức nặng nề. Chúng tôi dự báo đây là hai lĩnh vực trong thời gian tới sẽ tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn.

Đến thời điểm này, Chính phủ đã điều chỉnh chiến lược phòng chống dịch, đồng thời theo thống kê cập nhật mới nhất, Việt Nam đã triển khai tiêm chủng được 140 triệu liều vaccine, đạt mức miễn dịch cộng đồng. Bên cạnh đó, năng lực y tế của Việt Nam trong công tác phòng chống dịch đã được cải thiện đáng kể. Ý thức của người dân năm qua về việc phòng chống dịch đã được cải thiện rất nhiều.

Nghị quyết 128 của Chính phủ về việc thích ứng ăn toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 nhằm phục hồi hoạt động kinh tế-xã hội là một chủ trương đúng đắn và hết sức phù hợp đối với bối cảnh hiện nay. Chính vì vậy, việc mở lại đường bay thương mại quốc tế là một trong những việc hết sức cần thiết, đặc biệt có ý nghĩa thực tiễn thời điểm cuối năm khi nhu cầu đi lại của người dân, đặc biệt là của Việt kiều, người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài, quay trở về đất nước rất cao.

Việc triển khai mở lại đường bay thương mại quốc tế sẽ là giải pháp cho ngành du lịch cũng như ngành hàng không. Đặc biệt với ngành du lịch, chúng ta đang triển khai đón khách du lịch quốc tế, được Chính phủ cho phép và nếu tổ chức được các chuyến bay thương mại thường lệ thì sẽ giúp cho hoạt động thí điểm này đạt được kết quả tốt hơn, tiến đến triển khai mở lại hoàn toàn việc đón khách du lịch quốc tế như trước thời điểm xảy ra dịch bệnh.

Nếu chúng ta chậm trễ trong việc mở lại thị trường bay quốc tế thì không những chúng ta mất đi cơ hội thu hút khách vào đúng thời điểm mà còn chậm trễ trong việc phục hồi những lĩnh vực khác và cao hơn nữa là chúng ta sẽ mất đi năng lực cạnh tranh của ngành du lịch cũng như của nền kinh tế Việt Nam.

Du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của Thành phố. Với đặc trưng là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp nên tập trung phục hồi du lịch sẽ kéo theo sự phục hồi của các ngành nghề khác. Thành phố quyết tâm phục hồi du lịch như thế nào trong năm 2022?

Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM: Năm 2022 với mục tiêu khôi phục ngành du lịch cùng với các dịch vụ kèm theo, TPHCM đã chủ động khôi phục lại các hoạt động của ngành, đồng thời khôi phục lại thị trường du lịch khách quốc tế tại TPHCM. Từ tháng 10/2021, chúng tôi đã tham mưu với UBND Thành phố xây dựng kế hoạch phục hồi du lịch TPHCM thích ứng với dịch COVID-19 với những giai đoạn cụ thể.

Năm 2022, trong giai đoạn 3 với mục tiêu là khôi phục lại toàn bộ hoạt động du lịch, không có giới hạn về quy mô cũng như các dịch vụ đi kèm, chúng tôi xác định những nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện.

Thứ nhất là đánh giá lại hiệu quả của giai đoạn 1 và 2 để có những kế hoạch, bước đi phù hợp với điều kiện tình hình hiện tại.

Thứ hai là sẽ tham mưu với UBND Thành phố điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện bộ tiêu chí đánh giá an toàn dịch bệnh COVID-19 trong ngành du lịch để cho các đơn vị trong ngành có khung, tiêu chí để áp dụng theo, bảo đảm an toàn của du khách đến với TPHCM.

Thứ ba là phối hợp, hỗ trợ cho các doanh nghiệp quảng bá các thương hiệu trên tất cả các nền tảng, đặc biệt là chuyển đổi công nghệ số và đưa các thông tin đến với bạn bè quốc tế. Phương thức là đưa các sàn thương mại điện tử, công nghệ thông tin vào quảng bá sản phẩm của các doanh nghiệp.

Thứ tư là xác lập, nâng cao chất lượng dịch vụ và xây dựng bản sắc, đặc trưng của Thành phố để thu hút khác du lịch đến với Thành phố trong năm 2022 và những năm tiếp theo. Xây dựng, quảng bá điểm đến của Thành phố với giá trị cốt lõi là:  Cởi mở, sống động, hứng khởi, hướng về tương lai.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (phải) tham gia Tọa đàm trực tuyến từ đầu cầu Hà Nôi. Ảnh: VGP/Anh Đức

Qua ý kiến của bà Hiếu, ông nhận xét thế nào về đề án mở cửa du lịch của TPHCM? Theo ông đề án này có khả thi không?

Ông Nguyễn Trùng Khánh: Qua ý kiến của bà Bùi Ngọc Hiếu, tôi đánh giá cao kế hoạch, nội dung chuẩn bị của TPHCM trong việc tổ chức đón khách du lịch quốc tế quay trở lại Thành phố. Chúng tôi cũng ghi nhận nỗ lực của UBND TPHCM, ngành du lịch Thành phố trong thời gian qua sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát cơ bản, đã nỗ lực triển khai xúc tiến, không những phục hồi du lịch nội địa mà còn đề xuất với Bộ VHTT&DL, Chính phủ về kế hoạch đón khách quốc tế quay trở lại TPHCM với những nội dung cụ thể, chi tiết.

Chúng tôi rất ủng hộ đề án thí điểm đón khách quốc tế của TPHCM và đã tổng hợp, báo cáo, tham mưu Bộ VHTT&DL trình Chính phủ đưa TPHCM vào một trong những địa phương sẽ tiếp tục tham gia thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam theo lộ trình mà Chính phủ cho phép.

Như đánh giá ban đầu, TPHCM vừa qua đã có sự chuẩn bị rất tốt, đã xây dựng những kế hoạch, tiêu chí để bảo đảm an toàn trong phòng chống dịch. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch với những biến chủng mới, tôi đề nghị TPHCM tiếp tục rà soát lại toàn bộ tiêu chí, quy trình đảm bảo an toàn cho khách du lịch cũng như các khu, điểm kinh doanh du lịch một cách chặt chẽ. Đồng thời, cần tính đến phương án xử lý các tình huống trong trường hợp được Bộ VHTT&DL và Chính phủ cho phép tổ chức thí điểm đón khách quốc tế.

Trong giai đoạn thí điểm ban đầu, chúng tôi đề nghị TPHCM tăng cường đào tạo, tập huấn an toàn với khách du lịch, quan tâm việc tạo ra những tour, tuyến sản phẩm mới mà vừa rồi TPHCM đã nỗ lực xây dựng. Cuối cùng, cần đảm bảo công tác quản lý nhà nước để khi mở cửa lại, việc đón khách quốc tế đạt hiệu quả, đảm bảo an ninh, an toàn, đảm bảo vệ sinh môi trường. Đó là những yếu tố hết sức quan trọng khi tổ chức đón khách quốc tế.

Chúng ta cần những gì để thực sự ngành du lịch của Thành phố trở lại nhịp sống?

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel): Tôi đánh giá cao hoạt động của Tổng cục Du lịch và Sở Du lịch TPHCM trong thời gian qua đã có bước đi cùng chính quyền Thành phố, cùng Chính phủ thúc đẩy du lịch phát triển. Những hoạt động vừa qua giúp du lịch Thành phố bước đầu có nét hồi sinh trở lại. Tuy nhiên, chúng ta cần đánh giá như vậy đã đủ chưa?

Tôi cho rằng có lẽ chưa đủ. TPHCM đã ban hành 10 tiêu chí mở lại hệ thống dịch vụ, hạ tầng. Muốn mở cửa du lịch thì trước hết phải mở cửa về chính sách GTVT, đi lại, phải có tiêu chí rõ ràng, rành mạch để những người sử dụng phương tiện, những người muốn đi lại trong nước và nước ngoài hiểu được rõ ràng, rành mạch. Chúng ta đang thiếu điều này.

Thứ hai là mở lại dịch vụ. Mở lại dịch vụ tốt thì du lịch mới có khả năng hoạt động trở lại được vì du lịch có tính tổng hợp, mình nó không thể vận hành được mà phải có sự trợ giúp của cả hệ thống. Chúng tôi mong muốn sắp tới chính sách của Chính phủ sẽ mạnh mẽ hơn trong việc mở lại hệ thống dịch vụ, hạ tầng, đặc biệt là những cơ sở dịch vụ phục vụ cho cuộc sống và cho du lịch.

Chúng tôi mong muốn chính sách sắp tới cần rõ ràng, rành mạch hơn nữa, thời gian cụ thể hơn nữa, đồng bộ, xuyên suốt. Vừa qua do chưa đồng bộ, nên trong quá trình triển khai, các doanh nghiệp du lịch cũng gặp khó khăn.

Không phải chỉ có khách du lịch, thành phố Hồ Chí Minh còn phải chuẩn bị để đón kiều bào về thăm quê. Xin ông Phùng Công Dũng cho biết phía ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài thành phố HCM đã chuẩn bị thế nào để hỗ trợ kiều bào khi bắt đầu có các chuyến bay thương mại quốc tế?

Ông Phùng Công Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM: Nãy giờ các anh chị ngành du lịch nói rất sâu về công tác chuẩn bị đón khách quốc tế và trong đó có kiều bào. Về cá nhân tôi, trong lĩnh vực mình phụ trách, tôi có suy nghĩ như thế này: Đối với người Việt mình, dịp Tết là cái gì đó thiêng liêng lắm. Cái cụm từ “về quê ăn Tết”, ở đây chúng ta ai cũng thế, đều muốn về sum họp gia đình, đoàn tụ với quê hương, với người thân. Do vậy câu chuyện này chúng tôi chuẩn bị năm nào cũng thế nhưng đã 2 năm rồi, do COVID, bà con không về được. Do nhiều chuyện như chính sách, dịch bệnh…

Về phía chúng tôi, chúng tôi có những việc đã làm và đang làm. Sắp tới, là ba việc. Thứ nhất, chúng tôi thường xuyên kết nối với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài – Bộ Ngoại giao, các cơ quan ngoại giao như là các sứ quán, Tổng Lãnh sự, Hội Người Việt Nam ở các nước… để nắm thông tin của kiều bào muốn về nước, thông qua đó giải đáp thông tin về chính sách, thủ tục pháp lý về hộ tịch, visa… Đó là câu chuyện chúng tôi trao đổi với những cơ quan có liên quan.

Thứ hai, chúng tôi chuẩn bị xem khi bà con về đến cửa khẩu, đến sân bay, hải quan thì những vướng mắc là gì? Ví dụ như vấn đề an ninh, vấn đề thủ tục, vấn đề nhập cảnh… Vẫn còn rất nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề an ninh.

Thứ ba, chúng tôi thường xuyên gắn bó với các địa phương, 21 quận, huyện ở TPHCM đều có 21 ban liên lạc kiều bào, thanh niên kiều bào và các tổ kiều bào ở phường, xã. Như vậy, những khó khăn về thủ tục pháp lý, về visa để phòng chống dịch chúng tôi đều cập nhập thường xuyên. Khi có vướng mắc thì chúng tôi kịp thời tháo gỡ. Đấy là sự chuẩn bị mà tôi nghĩ là khi chúng ta tiếp khách du lịch, bà con về thăm quê sẽ hết sức đồng bộ.

Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM Bùi Thị Ngọc Hiếu: Với nỗ lực của Sở Du lịch trong xây dựng các sản phẩm, kiều bào về quê hương trong dịp Tết này và khách quốc tế đến Thành phố khi mở cửa trở lại, sẽ thấy TPHCM rất khác, sống động, nhiệt tình. Ảnh: VGP/Anh Đức

Bà có thể cho biết TPHCM đã có những thay đổi gì về sản phẩm du lịch để sau 2 năm đại dịch, kiều bào về thăm quê sẽ nhận thấy Thành phố thực sự có nhiều đổi thay?

Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM: Việc xây dựng sản phẩm của ngành du lịch là nhiệm vụ rất quan trọng và trọng tâm của Sở Du lịch TPHCM. Sở Du lịch cũng đã xác định và xây dựng lộ trình cho việc làm mới các sản phẩm du lịch hiện có, đồng thời xây dựng các tour, tuyến mới để thu hút khách nội địa, khách quốc tế. Cùng với đó, giới thiệu cho người dân Thành phố những ngóc ngách nhỏ của TPHCM mà thật sự chính người dân sinh sống ở TPHCM đối khi còn chưa khám phá hết.

Trong tháng 10 vừa qua, Sở Du lịch đã công bố bộ tài nguyên du lịch với 366 điểm đến. Các điểm đến này được Sở Du lịch chuyển đổi kỹ thuật số, đưa lên nền tảng Google map, có nghĩa là tất cả được chuyển tải trên nền tảng online. Như vậy, người dân hay du khách có thể chọn địa điểm mình thấy phù hợp hoặc chúng tôi xây dựng chương trình, những điểm đến đặc sắc để giới thiệu cho người dân, giúp người dân biết được đến đó như thế nào, đường đi ra sao… đều được chỉ dẫn bằng nền tảng online, bằng trang web xúc tiến du lịch của TPHCM, trên app của du lịch TPHCM.

Bên cạnh đó, sáng mai (24/12), Sở Du lịch tổ chức phát động “Tuần lễ Du lịch TPHCM – Thành phố tôi yêu”, giới thiệu với người dân Thành phố 6 tuyến du lịch mới xuất phát từ Trung tâm TPHCM đến các quận huyện và TP. Thủ Đức để giới thiệu những tour, tuyến mới, làm mới tour, tuyến đường bộ. Song song với đó, tuyến đường thủy được khai thác và đưa vào sử dụng, có thể đi bằng cano, du thuyền, bus đường sông… để thấy được bao quát từng nét đẹp của TPHCM.

Có những chương trình city tour đến những điểm văn hóa lịch sử lâu đời của TPHCM; đến với ngả sông của Thành phố như là Cần Giờ, Nhà Bè hay địa đạo Củ Chi… là những điểm văn hóa lịch sử của Thành phố. Đó là cách làm của Sở Du lịch để giới thiệu những tour, tuyến mới.

Từ các chương trình đó, các doanh nghiệp sẽ khai thác, xây dựng cho mình chương trình thật hấp dẫn, thu hút khách du lịch cũng như kiều bào về thăm Thành phố. Tôi hy vọng với nỗ lực của Sở Du lịch trong xây dựng các sản phẩm, kiều bào về quê hương trong dịp Tết này và khách quốc tế đến Thành phố khi mở cửa trở lại, sẽ thấy TPHCM rất khác, sống động, nhiệt tình.

Bà Nguyễn Thị Thúy Bình, Phó Tổng Giám đốc Vietjet Air: Rất mong Chính phủ và các cơ quan quản lý có những hướng dẫn, phê duyệt khẩn trương để chúng tôi có thể triển khai các sản phẩm trên hệ thống của mình, giúp cho đồng bào kịp thời về nhà ăn Tết với gia đình. Ảnh: VGP/Anh Đức

Tôi hiểu là phía hàng không đã sẵn sàng khi những chuyến bay thương mại quốc tế bắt đầu có kế hoạch hoạt động trở lại. Nhưng hiện nay theo kế hoạch, chuyến bay chỉ mở một số tuyến nhất định. Hãng đã chuẩn bị cho việc này thế nào để chào đón khách du lịch quốc tế và đón kiều bào về nước an toàn?

Bà Nguyễn Thị Thúy Bình, Phó Tổng Giám đốc Vietjet Air: Trong bối cảnh Việt Nam cũng như toàn thế giới chuyển sang vừa phòng chống dịch bệnh vừa khôi phục kinh tế thì hàng không có thể xem là một ngành tiên phong để dẫn dắt khu vực kinh tế và đặc biệt là khôi phục du lịch ở tất cả các nước. Bởi vì đây là phương tiện được ưu tiên lựa chọn bởi sự thuận tiện, an toàn cũng như quy trình để đảm bảo phòng chống dịch bệnh.

Với Vietjet Air, chúng tôi đã chuẩn bị rất lâu tất cả kế hoạch cho rất nhiều kịch bản khác nhau để có thể triển khai ngay lập tức sau khi dịch bệnh được kiểm soát cũng như được các cơ quan quản lý nhà nước phê duyệt.

Theo văn bản 4122 của Bộ VHTT&DL, Vietjet đã phối hợp cùng Tổng cục Du lịch cũng như các địa phương triển khai thí điểm các chuyến bay đầu tiên đưa khách du lịch quốc tế vào Việt Nam đến Phú Quốc và Đà Nẵng từ các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Chúng tôi đã chuyên chở thí điểm được hơn 1.500 khách, trong đó có khách du lịch quốc tế cũng như kiều bào về Việt Nam du lịch, thăm nhà… Qua chương trình thí điểm này, chúng tôi đánh giá công tác chuẩn bị phối hợp của tất cả địa phương với hãng hàng không và công ty du lịch rất tốt; kết quả rất khả quan.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chuẩn bị sẵn sàng ra các phiên bản web mới cũng như các nền tảng công nghệ mới để khách hàng có thể tiện lợi trong việc sử dụng dịch vụ online, tránh tiếp cận trực tiếp với nhân viên thì sẽ đảm bảo an toàn hơn. Ví dụ như, khách hàng có thể đặt vé online, đăng ký xét nghiệm, đăng ký khai báo y tế, khai báo di chuyển cũng như check-in online hoàn toàn. Đây là những công cụ mới mà chúng tôi đưa vào để phục vụ cho giai đoạn bình thường mới, đảm bảo an toàn sức khoẻ. Trên máy bay chúng tôi cũng đưa ra một trải nghiệm rất mới cho khách, đó là dịch vụ hướng dẫn yoga thư giãn trong lúc bay hoặc cung cấp những gói thực phẩm thực dưỡng hay những gói sản phẩm bảo vệ sức khoẻ. Đồng thời, hệ thống máy bay của chúng tôi được bảo trì, bảo dưỡng kỹ thuật thường xuyên và xịt khuẩn liên tục để đảm bảo tàu bay sạch sẽ trước khi bay. Còn nhân viên tiêm vaccine đầy đủ, trước khi phục vụ hành khách được test COVID-19 100% và cũng được đào tạo quy trình đảm bảo an toàn cho nhân viên, cho hành khách và cho cộng đồng.

Chương trình mở rộng bay quốc tế của Chính phủ vừa rồi cũng là tín hiệu mừng và chúng tôi tin chắc rằng Việt Nam sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn nhất trong giai đoạn khôi phục này.

Với TPHCM, theo lãnh đạo Sở Du lịch cập nhật, rất mừng vì khách du lịch đến TPHCM không chỉ làm ăn, không chỉ làm kinh tế hay hội  họp mà có thể trải nghiệm rất nhiều dịch vụ du lịch mới. Năm 2019, chỉ riêng TPHCM, chúng tôi đã chuyên chở đến hơn 19.000 lượt khách, trong đó 50% là khách nội địa, 50% là khách quốc tế.

Trong thời gian tới, với chương trình, tín hiệu tốt như vậy, chúng tôi tiếp tục mở rộng tần suất đường bay nội địa, đưa khách nội địa đến TPHCM. Với khách quốc tế, trong đầu năm 2021, với chương trình mở cửa rất linh hoạt của Thái Lan, chúng tôi vẫn duy trì một chuyến bay đến Bangkok nhưng mới chỉ phục vụ được người dân Thái Lan đến TPHCM để làm ăn, đầu tư và hội họp. Tuy nhiên, với chương trình mới, chúng tôi đã lên kế hoạch rất rõ là sẽ tăng tần suất đường bay giữa Bangkok và TPHCM, không chỉ  phục vụ khách Thái Lan đến Việt Nam để hội họp mà còn đưa khách du lịch từ Thái Lan hoặc từ các nước đến Thái Lan đến TPHCM để trải nghiệm các dịch vụ mới.

Bên cạnh Thái Lan, chúng tôi cũng có kế hoạch mở rộng các đường bay đến Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hong Kong, Singapore, Malaysia để kịp đón kiều bào về nước vào Tết năm nay. Rất mong Chính phủ và các cơ quan quản lý có những hướng dẫn, phê duyệt khẩn trương để chúng tôi có thể triển khai các sản phẩm trên hệ thống của mình, giúp cho đồng bào kịp thời về nhà ăn Tết với gia đình.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel: Nếu Chính phủ cho mở bay thương mại vào tháng 1/2022 thì lượng khách sẽ về rất đông. Ảnh: VGP/Anh Đức

Đại dịch COVID-19 có thể nói là quãng thời gian cực kì khó khăn với hàng không, các ngành dịch vụ, du lịch. Để vượt qua giai đoạn này, ông có thể cho biết kế hoạch sắp tới của Tổng công ty nói chung và hướng tới thị trường TPHCM nói riêng?

Ông Nguyễn Quốc Kỳ: Vietravel vừa là hãng du lịch, vừa là hãng hàng không. Vietravel đã chuẩn bị khá kỹ cho việc trở lại, bao gồm cả du lịch và hàng không.

Chúng tôi đánh giá lượng khách quốc tế về Việt Nam sắp tới từ tháng 12/2021 đến tháng 3/2022 chủ yếu là Việt kiều. Đây là nhu cầu chính đáng của bà con muốn về thăm quê hương sau 2  năm bị gián đoạn vì dịch. Vietravel đã mở cửa trở lại 4 văn phòng tại nước ngoài ở Mỹ, Pháp, Australia,Thái Lan, sắp tới là Singapore, để kiều bào đến đăng ký. Ngay từ tháng 11, chúng tôi đã tham gia vận chuyển khách du lịch, bao gồm cả kiều bào, 1 tháng được 4 chuyến.

Chúng tôi đánh giá nếu Chính phủ cho mở bay thương mại vào tháng 1/2022 thì lượng khách sẽ về rất đông, thuận lợi hơn cho lựa chọn đường về. Một vấn đề rất lớn cho kiều bào là về bằng cách nào, họ không có nhiều thông tin. Qua kênh này, chúng tôi hi vọng bà con có nhu cầu về có thể liên hệ với văn phòng Vietravel tại Pháp, Mỹ, Thái Lan… để có thông tin. Chúng tôi cũng đã chuẩn bị rất kỹ cơ sở vật chất, hậu cần để đón bà con cũng như tổ chức tour, đầu tiên là thăm gia đình, sau đó là đi du lịch TPHCM tại nhiều điểm. Những điểm du lịch đó sẽ để lại cho bà con rất nhiều dấu ấn trong dịp xuân về sau 2 năm xa cách.

Vietravel cũng triển khai lại tất cả hệ thống văn phòng từ Bắc tới Nam, kết nối để chuyển đổi khách giữa các địa phương với nhau.

Chúng tôi cũng hi vọng Chính phủ sẽ cho phép TPHCM là điểm thứ 6 đón khách, vì Thành phố đạt tỉ lệ tiêm chủng 2 mũi rất cao, 98% và đang triển khai tiêm mũi 3. Thành phố gần như đã đạt miễn dịch cộng đồng, nhiều người mắc hiện nay ở thể nhẹ.

Thứ hai, TPHCM cũng mạnh dạn mở hệ thống cho bà con về, tiếp cận dịch vụ.

Thứ ba là TPHCM cũng phải làm mới lại hình ảnh mình sau dịch bệnh, giúp mọi người hiểu được Thành phố đã an toàn, xứng đáng trở thành điểm đến của cả nước cũng như khách quốc tế từ nước ngoài đến.

Để thực hiện thành công mở cửa du lịch an toàn bền vững, Sở Du lịch Thành phố đã lường trước được những khó khăn gì, thưa bà? Việc thực hiện hộ chiếu vaccine, cách li sẽ xử lí như nào thuận tiện nhất cho du khách?

Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu: Dịch COVID-19 vừa qua và hiện nay vẫn còn tiếp diễn đã đặt ra nhiều khó khăn đối với cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là ngành du lịch. Khi trở lại hoạt động bình thường mới, Sở Du lịch TPHCM đã chủ động, nhanh chóng trong việc xây dựng bộ tiêu chí để thích ứng hiệu quả nhất, vừa đưa các hoạt động trở lại bình thường, vừa đảm bảo an toàn cho du khách, người dân.

TPHCM đã xây dựng đề án đón khách quốc tế trở lại với các lộ trình, các giai đoạn, giải pháp cụ thể, đã trình xin ý kiến Bộ VHTT&DL, đang chờ phê duyệt. Trong lộ trình này, Sở Du lịch TPHCM mong muốn có tiêu chí rõ ràng, cụ thể để đón khách bảo đảm an toàn, hiệu quả nhất.

Với hộ chiếu vaccine, Sở đã tham mưu UBND Thành phố đề xuất với Bộ VHTT&DL, Chính phủ đón khách quốc tế trở lại từ tháng 12/2021 và sẽ không áp dụng việc cách ly đối với khách đến TPHCM có hộ chiếu vaccine.

Tôi nghĩ rằng tất cả các doanh nghiệp của ngành du lịch đều đã xây dựng những kịch bản đón khách đảm bảo an toàn cho mình, cho khách và điều này cũng là điều tiên quyết đặt ra khi Sở Du lịch đưa các hoạt động trở lại bình thường.

Chúng tôi đã làm việc, động viên các doanh nghiệp du lịch trở lại các hoạt động của ngành du lịch thì phải xây dựng đề án đảm bảo an toàn, căn cứ theo bộ tiêu chí của TPHCM, xây dựng kịch bản xử lý tình huống khi có trường hợp F0 trong du khách thì xử lý như thế nào, liên hệ với bộ phận y tế nào để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách và đội ngũ nhân viên của mình.

Những giải pháp như vậy có giải quyết được trăn trở hiện nay đối với hoạt động của riêng Vietravel không? Hay theo ông, góc nhìn chung của những doanh nghiệp trong ngành như thế nào?

Ông Nguyễn Quốc Kỳ: Chúng tôi đánh giá là các doanh nghiệp cũng phải chấp nhận những hoàn cảnh nhất định. Như thế cũng là sự cố gắng rất lớn rồi, chứ không thể nào đi ra khỏi môi trường kinh doanh của mình được. Đó là một sự cố gắng, chúng tôi đánh giá như thế. Bởi vì quản lý nhà nước nhìn ở một góc độ toàn diện hơn, bao quát hơn, du lịch cũng chỉ là một vấn đề trong quản lý nhà nước của thành phố. Thế nên chúng tôi nghĩ rằng, đó là giải pháp tốt, cũng là giải pháp, sự cố gắng của ngành.

Tuy nhiên, chúng tôi đặt vấn đề cần đồng bộ hơn nữa, làm sao mang tính kết nối hơn. Chúng tôi hay nói đùa là làm sao không quay ngược trở lại. Chính sách chúng ta đưa ra rồi, thì đừng sáng một cái, chiều một cái, khiến các doanh nghiệp rất khó trở tay. Cho nên, chúng tôi chỉ nghĩ làm sao đồng bộ, mang tính liên tục.

Ông Phùng Công Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM. Ảnh: VGP/Anh Đức

Để công tác đón kiều bào về nước suôn sẻ, ông có dự liệu những trở ngại lớn nhất có thể gặp lại không, thưa ông?

Ông Phùng Công Dũng: Tôi xin bày tỏ sự đồng cảm, chia sẻ với những chuẩn bị của ngành du lịch và những khó khăn của những doanh nghiệp ngành du lịch.

Thứ nhất, khách quan là dịch bệnh thì chúng ta không nói rồi.

Về chủ quan, có yếu tố tâm lý xuất phát từ việc bà con thiếu thông tin: Không biết về có bị cách ly hay không? Về thì ở đâu? Vaccine làm sao? Giá vé ra sao? Tôi cũng nghe các anh chị nói, bà con nghe giá vé trên trời dưới đất. Như vậy vấn đề thông tin rất quan trọng mà giờ thông tin trái chiều nhiều lắm, bị nhiễu, thậm chí có bà con kiều bào điện thoại, nhắn tin cho tôi hỏi về giá vé.

Vừa rồi, tôi cũng nhận được thông tin, Quyết định 5772 ngày 20/12 của Bộ Y tế ban hành biểu mẫu và quy trình cấp hộ chiếu vaccine. Đó như là “lá bùa” cho các ngành, bà con hết sức yên tâm. Ban Liên lạc kiều bào các quận, huyện, thành phố Thủ Đức thường xuyên nắm bắt những cái này. Đúng ra hôm nay có thêm đại diện ngành y tế thì quá hay, sẽ lý giải những câu chuyện chúng ta nói.

Với quyết tâm của cả Thành phố, của các sở, ngành, đặc biệt là cơ quan chúng tôi kết nối với kiều bào, sẽ giải tỏa nhanh nhất, sớm nhất những vướng mắc của kiều bào để mở cửa đón khách quốc tế và kiều bào về ăn Tết.

Như chúng ta đều biết, hiện nay, các quy định về cách ly, thậm chí là quy định ứng xử với F0, F1, Bộ Y tế đều đã có những quy định rất mới rồi. Với sự điều chỉnh như vậy, cácvị khách mời có nghĩ rằng sẽ là chất xúc tác để chúng ta có thể vực dậy mạnh mẽ ngành du lịch hay không?

Bà Nguyễn Thị Thuý Bình: Chính sách mới của Chính phủ và hướng dẫn Bộ Y tế mới đưa ra là tín hiệu rất tốt. Thực sự đó là ‘cánh cửa đã hé mở’, rất quan trọng. Tuy nhiên, doanh nghiệp hàng không chúng tôi vẫn còn có lo lắng.

Chúng tôi đánh giá rất cao nỗ lực của các cơ quan quản lý du lịch và thương mại và Chính phủ cũng rất ủng hộ. Nhưng công tác triển khai để hướng dẫn cho các doanh nghiệp và các đơn vị bên dưới thì tiến độ thời gian cũng là một vấn đề.

Thứ hai là sự đồng bộ giữa tất cả các cơ quan ban ngành quản lý. Đây là lần đầu tiên chúng ta làm việc này, chúng ta tập trung để làm sao tiến độ phải nhanh và có tính đồng bộ thì công tác chuẩn bị mới có hiệu quả, hiệu quả cho cả hệ thống chứ không phải riêng doanh nghiệp nào cả.

Điển hình là chúng tôi trong ngành hàng không, khi đã thấy văn bản, quyết định thì mừng lắm và đã lên tất cả kế hoạch, kịch bản. Nhưng đến ngày hôm nay, việc được cấp phép để mở các đường bay đó thì vẫn chưa được. Thậm chí tần suất chuyến bay để chúng tôi có thể ra nước ngoài đón kiều bào về nước hay khách du lịch, dù nhu cầu rất lớn, nhưng chưa được thì chúng tôi cũng không biết làm thế nào để phục vụ người dân, phục vụ khách du lịch một cách đồng bộ nhất, nhanh nhất dù chúng tôi đã sẵn sàng rồi.

Hiện nay, các quy trình kiểm soát dịch bệnh áp dụng cho hơn 1.000 khách thí điểm vừa rồi và chúng tôi đã lấy đó làm kinh nghiệm để kiểm soát bệnh dịch. Ở 5 điểm đến đầu tiên, chúng tôi thấy quy trình đó rất tốt. Chúng tôi đã cùng tổng kết với Tổng cục Du lịch và Cục Hàng không Việt Nam. Nếu việc đón khách quốc tế được mở ra là chúng ta đã sẵn sàng quy trình, phối hợp với công ty du lịch, phối hợp với địa phương để khi đón khách du lịch hay kiều bào về nước là chúng ta đã có một quy trình chuẩn.

Tuy nhiên, hiện nay khách bay cũng vẫn bị hạn chế. Đó là điều chúng ta lo lắng. Rồi khi nào chúng ta mới mở cửa và phục vụ như thế nào để đồng bộ nhất, tránh tình trạng phải thực hiện yêu cầu này, yêu cầu kia và các yêu cầu không giống nhau. Đó cũng là điều chúng tôi đang lo lắng và chúng tôi mong muốn các cơ quan quản lý giúp làm rõ các quy trình và tiến độ khi nào chúng tôi được phục vụ kiều bào Việt Nam về quê ăn Tết, phục vụ khách du lịch đến Việt Nam.

Ông Nguyễn Trùng Khánh: Trước hết, tôi rất chia sẻ với những băn khoăn của các diễn giả ở đầu cẩu TPHCM, đặc biệt là hai doanh nghiệp Viettravel và Vietjet.

Tôi xin chia sẻ thế này. Trong thời gian vừa qua, Tổng cục Du lịch, Bộ VHTT&DL đã hết sức khẩn trương phối hợp cùng các bộ, ngành để tham mưu điều chỉnh lại hướng dẫn 4122 triển khai thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, làm sao thích hợp với bối cảnh mới, tình hình mới.

Chúng tôi rất mừng vì vừa qua, Bộ Y tế đã ban hành quy định cấp hộ chiếu vaccine. Đấy là cơ hội tốt để người dân Việt Nam có thể đi ra nước ngoài.

Thứ hai, chúng tôi biết Bộ Ngoại giao cũng đang làm việc hết sức khẩn trương để công nhận giấy chứng nhận vaccine của các nước khác, để khi họ có nhu cầu vào Việt Nam thì giấy chứng nhận đó chính là giấy thông hành. Như vậy, cánh cửa thông cho inbound và outbound đã được mở ra.

Vừa qua, để chuẩn bị cho việc mở lại chuyến bay thương mại, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn số 4510688, trong đó quy định rất cụ thể các đối tượng nhập cảnh vào Việt Nam, nêu rõ đối với những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine và xét nghiệm âm tính trước khi lên máy bay thì khi nhập cảnh vào Việt Nam, chỉ cần tự theo dõi tại nơi lưu trú, có thể tại nhà, có thể tại nơi nào đó đảm bảo an toàn, có thể tại khách sạn, trong thời gian 3 ngày và không tiếp xúc với ai. Sau 3 ngày test PCR âm tính thì có thể tham gia các hoạt động khác nhưng đồng thời cũng phải tiếp tục theo dõi sức khoẻ tiếp trong 14 ngày.

Đối với những trường hợp chưa tiêm đủ hoặc chưa tiêm vaccine thì khi nhập cảnh sẽ phải tự theo dõi tại nơi lưu trú trong thời gian 7 ngày và trong đó có 2 lần PCR, một lần vào ngày thứ 3, một lần vào ngày thứ 7. Trong trường hợp âm tính thì họ sẽ tiếp tục tự theo dõi, sau 14 ngày nếu test âm tính thì có thể hoà nhập với cộng đồng.

Tôi cho rằng đó là bước tiến mới trong công tác phòng chống dịch của Việt Nam. Chúng tôi có nghiên cứu để tham mưu Bộ VHTT&DL báo cáo Chính phủ để điều chỉnh lại hướng dẫn thí điểm đón khách du lịch quốc tế theo tinh thần hướng dẫn số 4122 để làm sao từ ngày 1/1/2022, chương trình thí điểm này sẽ bước vào giai đoạn 2. Chúng tôi sẽ đề xuất, thay vì khách du lịch đi trọn gói trong thời gian 7 ngày, họ có thể tham gia gói 3 ngày; nếu test âm tính, họ có thể tham gia các chương trình du lịch theo nguyện vọng lớn hơn.

Đấy là những định hướng chúng tôi chia sẻ với các diễn giả đầu cầu TPHCM. Bên cạnh đó, công tác truyền thông để bà con Việt kiều cũng như khách quốc tế biết được những chính sách về thời điểm, lộ trình mở cửa của chúng ta là hết sức quan trọng.

Thời gian qua, Bộ VHTT&DL đã chủ trì họp với các trưởng đại diện người Việt Nam ở nước ngoài tại các địa bàn trọng điểm trên thế giới để phổ biến, trao đổi cách thức làm sao phối hợp trong nước cũng như tại các địa bàn đó về công tác truyền thông giới thiệu các cơ chế, chính sách mới và thời gian, quy định cụ thể về việc nhập cảnh cũng như đi du lịch tại Việt Nam.

Tới đây, chúng tôi sẽ thông qua kênh Vietnam.travel cũng như một số nền tảng mạng xã hội khác để truyền thông mạnh mẽ hơn về thông tin này. Rất mong bà con sinh sống ở nước ngoài quan tâm hơn, lựa chọn cho mình những lộ trình quay về quê hương thuận lợi.

Chúng ta đang bước vào giai đoạn đầu thích ứng linh hoạt và an toàn. Việc cụ thể hóa thế nào là thích ứng an toàn, linh hoạt vẫn được tất cả các ngành cố gắng tìm hướng đi cho phù hợp bởi vì tất cả những gì chúng ta đang đối mặt đều chưa có tiền lệ. Đối với ngành du lịch, các vị khách mời có mong muốn gì, có thêm những đề xuất gì để đóng góp cho ngành, như mục tiêu chúng ta kỳ vọng là mở cửa phát triển nhưng phải bền vững?

Ông Nguyễn Quốc Kỳ: Hai năm vừa qua đủ cho chúng ta nhìn lại chặng đường đi và những biện pháp đã áp dụng, những tổn thất đã có và những giải pháp để khắc phục cũng như phát triển, khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh trong điều kiện bình thường mới của xã hội.

Giới doanh nghiệp nói chung cần nhìn thấy một “Master Plan” (Chiến lược tổng thể) của Chính phủ trong thời gian dài, cho giai đoạn từ nay đến năm 2023, 2025. Trong bối cảnh bình thường mới, nếu không có “Master Plan” chúng ta sẽ rất bị động. Dĩ nhiên trong giai đoạn dài như thế sẽ có nhiều đột biến, làm cho kế hoạch của chúng ta thay đổi, chúng ta sẽ cập nhật và điều chỉnh. Đây cũng là cơ sở để cho doanh nghiệp như chúng tôi xây dựng kế hoạch tiếp theo của mình.

Thứ hai, ngành du lịch và hàng không bị tác động rất nặng, vì thế Chính phủ cần có những chính sách trợ giúp, hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Đây là 2 ngành mũi nhọn, hàng không vận chuyển, du lịch là ngành kinh tế chiếm đến trên 10% GDP của cả nước. Chúng ta xác định là mũi nhọn thì phải đầu tư để giữ lại ngành du lịch. Chúng ta cần sự quan tâm thực sự.

Thứ ba là du lịch sẽ giúp thúc đẩy trở lại tiêu dùng xã hội.

Cuối cùng là du lịch sử dụng lao động nhiều, nếu chúng ta hỗ trợ được du lịch thì lao động sẽ có việc làm.

Bà Nguyễn Thị Thúy Bình: Tôi cũng đồng ý với chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt. Thích ứng ở đây là cho dù có thay đổi cuộc sống như thế nào thì chúng ta cũng không thay đổi cái “lõi” của nó. Chúng ta vẫn phải hoạt động, di chuyển, tận hưởng cuộc sống hằng ngày nhưng sẽ theo một cách an toàn.

Tôi có ý kiến là, không nên sử dụng biện pháp dừng đi lại để phòng chống bệnh dịch mà chúng ta hãy suy nghĩ những biện pháp để làm sao mỗi người dân trong cộng đồng có ý thức bảo vệ chính mình. Tôi lấy một điển hình của Thái Lan, khi đỉnh điểm cả nước lên đến 20.000 ca mắc COVID-19 nhưng du lịch Thái Lan vẫn  mở cửa, vận chuyển hàng không và đường bộ vẫn mở, và từ khi mở cửa thì số ca lại đi xuống. Chứng tỏ rằng không phải do đi lại mà bệnh dịch lên mà do chúng ta kiểm soát bệnh dịch ở các địa phương và từ mỗi người dân, mỗi cá nhân trong đó.

Tôi có kiến nghị chúng ta hãy duy trì cuộc sống bình thường, theo một cách thức mới thích ứng an toàn.

Thứ hai là công tác tuyên truyền về Việt Nam là điểm đến du lịch. Ngoài là điểm đến hấp dẫn, có nhiều cái mới nhưng thực sự phải an toàn, an toàn về bệnh dịch, an toàn về cuộc sống. Đó là một thông điệp mới trong công tác truyền thông của chúng ta ra nước ngoài về Việt Nam. Công tác truyền thông không chỉ đi từ Chính phủ mà tất cả các doanh nghiệp có hoạt động ở nước ngoài sẽ cùng chung tay để quảng bá Việt Nam đến người Việt ở nước ngoài và đến khác du lịch quốc tế. 

Cuối cùng, tôi kiến nghị trong môi trường bình thường mới, giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin là rất quan trọng, nhưng ứng dụng làm sao phải tích hợp trên một nền tảng. Chính phủ phải có những nền tảng chung nhất, đồng bộ nhất để kiểm soát cả đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch hay cung cấp các dịch vụ hằng ngày lẫn kiểm soát thông tin của khách hàng trên một nền tảng thì sẽ thuận tiện hơn.

Ông Phùng Công Dũng: Ngành du lịch là ngành công nghiệp không khói và chúng ta đang hồi phục kinh tế thì bao hàm luôn các lĩnh vực. Bài toán kinh tế là cung cầu phải đáp ứng lẫn nhau. Do vậy, chúng ta phải xác định kiều bào về bao nhiêu, khách quốc tế là bao nhiêu thì mới xác định được chúng ta có cái gì.

Tôi tâm đắc với ý của anh Kỳ là phải “renew”, phải làm mới lại. Hai năm chống chọi với COVID-19 thì đến thời điểm hiện nay, chúng ta phải khỏe, đẹp, lạ, mới, hấp dẫn. Mình phải làm mới và mới trong điều kiện bình thường mới. Vậy mới như thế nào? Ví dụ như 100 điểm hấp dẫn.

Những sản phẩm du lịch thu hút kiều bào thì phải đậm đà bản sắc dân tộc. Kiều bào về quê ăn Tết thì phải có cây dừa, bánh tét… Hơn ai hết, ngành du lịch phải thấy điều đó, để kiều bào về nước có thể được hương vị quê hương, bản sắc dân tộc.

Qua ý kiến của các vị khách mời, thưa ông Nguyễn Trùng Khánh, những khó khăn của TPHCM có cách nào giải quyết nhanh nhất, hiệu quả nhất không?

Ông Nguyễn Trùng Khánh: Tôi rất tán đồng với những chia sẻ, đóng góp trong buổi Tọa đàm hôm nay, từ phía đại diện của các lĩnh vực, trong đó kể cả bên phía ngành ngoại giao, ngành ngoại vụ mà anh Phùng Công Dũng đại diện, rồi Sở Du lịch của TP. Hồ Chí Minh, và đặc biệt là hai doanh nghiệp hàng không, lữ hành rất lớn của Việt Nam.

Với chủ đề làm thế nào để TP. Hồ Chí Minh đón khách du lịch quốc tế và kiều bào về ăn Tết, tham quan an toàn, chu đáo, tôi cho rằng đây là chủ đề rất trúng trúng thời điểm và đúng những nội dung cần phải bàn.

Tôi xin chia sẻ, ngay từ tháng 9/2021, khi đại dịch COVID-19 – đợt sóng lần thứ 4 đang được khống chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành một kế hoạch kích cầu, phục hồi và phát triển du lịch trong những tháng cuối năm 2021 và năm 2022, bao gồm 6 nhóm nhiệm vụ mà tất cả các diễn giả ngày hôm này đều nêu được. Tôi xin điểm lại.

Thứ nhất là việc chúng ta phải đảm bảo an toàn cho khách du lịch cũng như các điểm du lịch, và các doanh nghiệp phục vụ du lịch. Chỉ có thông qua việc tiêm vaccine và thực hiện 5K thì chúng ta mới có thể đáp ứng được yêu cầu này và cần có những quy trình đảm bảo an toàn.

Thứ hai, chúng ta phải xây dựng những sản phẩm mới thích ứng với nhu cầu và thị hiếu của khách du lịch trong bối cảnh mới. Việc này vừa rồi các diễn giả nói rất nhiều, đặc biệt là vấn đề anh Nguyễn Quốc Kỳ, anh Phùng Công Dũng vừa nêu: Đối với Thành phố Hồ Chi Minh, chúng ta phải renew như thế nào cho hình ảnh, diện mạo, sản phẩm? Tôi còn nhớ cách đây 1 năm, anh Nguyễn Quốc Kỳ với tư cách Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam đã có mong muốn và tổ chức được hai kì hội chợ tết – Tet Festival tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ở đó trưng bày tất cả không khí Tết của cả Bắc-Trung- Nam. Đấy là một trong những sự kiện rất quan trọng vào thời điểm này hằng năm và thu hút rất đông người đến tham quan, đặc biệt là giới trẻ. Người ta đến đó để được trải nghiệm lại không khí Tết xưa của các cụ. Đấy là một nét văn hóa rất là tốt. Bên cạnh đó, TPHCM cũng là địa phương đi đầu có những sản phẩm đáp ứng từng thị trường, đối tượng. Chúng tôi cho rằng trong bối cảnh sắp tới, khi nhu cầu của bà con Việt kiều cũng như khách quốc tế đến Việt Nam nhân dịp Tết Dương lịch, rồi Tết cổ truyền, cao thì TPHCM phải tận dụng tốt cơ hội này, tạo ra những sản phẩm rất đặc sắc cho khách trú đông, tránh đông ở các nước khác tới Việt Nam đón Noel, mừng năm mới.

Thứ ba là công tác truyền thông xúc tiến quảng bá mà mọi người đã nêu, nói rất nhiều. Trong hướng dẫn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch gửi các địa phương, doanh nghiệp cũng nêu rất rõ vấn đề này. Truyền thông bây giờ có thể sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ mới về truyền thông, đặc biệt là trên các nền tảng xã hội. Đây là kênh hữu hiệu nhất vì bây giờ, phần lớn người dân sử dụng smartphone. Nếu chúng ta truyền tải được thông tin trên smartphone, kể cả trao đổi thông tin, kể cả khuyến cáo, kể cả giới thiệu đặc trưng, thì đấy là thành công lớn nhất của chúng ta. Nếu làm được việc đó thì rất tốt.

Thêm nữa là việc chuyển đổi số và phát triển các tiện ích phục vụ khách du lịch tiến đến loại hình du lịch không chạm, một lĩnh vực mới nhưng rất được ưa thích đối với khách du lịch trong bối cảnh mới. Tôi cũng vừa tham dự khai mạc Hội chợ Du lịch trực tuyến ở Thành phố Hồ Chí Minh, tôi đánh giá rất cao nỗ lực của Thành phố, Sở Du lịch Thành phố trong việc nỗ lực phục hồi hoạt động du lịch thông qua sàn giao dịch trực tuyến. Đấy cũng là một kênh rất hữu hiệu để chúng ta triển khai tiếp công tác chuyển đổi số và số hóa các điểm đến để phục vụ, nâng cao các tiện ích cũng như các tương tác giữa khách du lịch với các doanh nghiệp.

Nhưng có hai vấn đề quan trọng nữa mà trong hướng dẫn của chúng tôi nêu rất rõ, như anh Kỳ nói: doanh nghiệp muốn khôi phục lại thì cần phải có “oxy”. Có hai vấn đề chúng tôi khuyến cáo các địa phương cũng như doanh nghiệp cần quan tâm.

Thứ nhất là phải có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, để vượt qua khó khăn, tái khởi động lại hoạt động kinh doanh. Nếu không có nguồn lực để hỗ trợ trực tiếp từ Nhà nước thì vấn đề này rất khó. Trong năm 2020-2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã có rất nhiều kiến nghị, đề xuất với Chính phủ và các bộ, ban, ngành để có những gói chính sách hỗ trợ cụ thể, thiết thực cho doanh nghiệp du lịch và người lao động trong các doanh nghiệp đó. Có những chính sách chung đối với người lao động như chính sách về lệ phí, về tài chính, về an sinh… Riêng đặc thù đối với ngành du lịch, chúng tôi đã tham mưu và vừa qua Chính phủ đã cho giảm tiền điện áp dụng đối với các cơ sở lưu trú, rồi giảm 50% phí thẩm định cấp phép kinh doanh lữ hành, giảm 50% tiền ký quỹ đối với các dịch vụ kinh doanh lữ hành. Đối với hướng dẫn viên là lực lượng nòng cốt của các doanh nghiệp, vừa qua cũng đã triển khai hỗ trợ trực tiếp mỗi hướng dẫn viên là 3.710.000. Và tính đến ngày hôm qua, con số cập nhật thì chúng ta giải quyết gần 15.000 hồ sơ, số tiền giải ngân đã đạt trên 58,5 tỷ đồng. Đây là con số thể hiện tính nhân văn của Nhà nước, Chính phủ trong hỗ trợ các đối tượng lao động đặc thù trong ngành.

Vấn đề rất quan trọng là lực lượng lao động trong ngành du lich, lực lượng đóng vai trò lớn trong cung cấp, cung ứng sản phẩm, dịch vụ. Đây là lực lượng lao động được đào tạo bài bản, có tay nghề nhưng đã bị tổn thương rất nặng trong 2 năm vừa qua do đại dịch COVID-19. Hiện nay, do các doanh nghiệp phần lớn đóng cửa nên họ đã phải đổi nghề hoặc bỏ việc đi tìm kiếm ăn việc khác. Bây giờ, nếu chúng ta muốn khôi phục và phát triển lại hoạt động du lịch thì cần phải có chính sách để thu hút người ta quay trở lại làm việc, rồi đào tạo. Đây là những vấn đề mà chúng tôi đã có đề xuất với Chính phủ để đưa thành một nhiệm vụ ưu tiên trong chương trình phục hồi kinh tế xã hội của đất nước giai đoạn 2022-2023. Chúng tôi cho rằng, đối với tất cả các địa phương cũng như các doanh nghiệp, hướng dẫn 3228 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch bao hàm trong những định hướng chung để các địa phương cũng như các doanh nghiệp có thể vượt qua khó khăn trước mắt và phục hồi, phát triển lại hoạt động du lịch.

Một vấn đề nữa của Thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi cho rằng Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa phương rất năng động, đi đầu và là trung tâm du lịch lớn. Ngay sau khi dịch được khống chế, lãnh đạo Thành phố cùng với lãnh đạo du lịch và các doanh nghiệp du lịch đã rất chủ động kết nối các thị trường khu vực miền Trung rồi vừa rồi là Tây Bắc, và đã có những kết nối rất tốt. Nhưng để tạo thuận lợi hơn cho khách du lịch quốc tế cũng như bà con Việt kiều về quê ăn Tết, bên cạnh việc thăm viếng người thân còn có nhu cầu đi thăm thú các nơi, Sở Du lịch cũng phải tham mưu cho chính quyền địa phương kí kết với các địa phương khác trong lộ trình, chương trình của mình, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại. Hiện nay chính sách tại mỗi địa phương vẫn đang có những điểm thống nhất với nhau, và cũng chưa thực sự tạo điều kiện hỗ trợ cho việc khôi phục hoạt động du lịch, nhất là du lịch nội địa.

Đối với khách quốc tế, tôi đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh cần phải nghiên cứu kĩ hướng dẫn thí điểm đón khách du lịch quốc tế số 4122 ngày 5/11/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Sắp tới đây, chúng tôi sẽ tham mưu lãnh đạo Bộ có những điều chỉnh thích ứng hơn với giai đoạn mới và quy định của Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành.

Chúng tôi hy vọng rằng với sự vào cuộc, sự chủ động tích cực của chính quyền các địa phương, sự đồng hành của các doanh nghiệp và sự chung tay góp sức của toàn hệ thống chính trị, ngành du lịch Việt Nam, trước thềm bối cảnh năm mới, sẽ mở ra những cơ hội mới để năm 2022, ngành du lịch Việt Nam sẽ có sự phục hồi mạnh mẽ và phát triển trở lại, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước như tinh thần Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị đã đề ra – Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Thưa quý vị khán giả

Là ngành kinh tế mũi nhọn của Thành phố Hồ Chí Minh, ngành du lịch cần cất cánh trở lại. Chậm chân sẽ mất đi nhiều cơ hội quý giá. Qua thảo luận của các vị khách mời với các góc nhìn khác nhau nhưng đều chung mong muốn ngành du lịch sớm hồi sinh trở lại.

Chúng tôi cũng hi vọng, một ngày gần đây thôi, các chuyến bay lại trở về trên bầu trời Thành phố và trên khắp các ngả đường, du khách lại tấp nập như xưa.

Theo Nhóm PV

https://baochinhphu.vn/Du-lich/Toa-dam-Thanh-pho-Ho-Chi-Minh-Mo-cua-don-khach-du-lich-quoc-te-va-kieu-bao-an-toan-chu-dao/456975.vgp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Zalo

viVietnamese