Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc là một quần thể cây xanh hội tụ, quanh năm rợp bóng mát, tạo không khí trong lành, bình yên cho du khách mỗi dịp ghé thăm nơi an nghỉ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc – thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Cây khế 291 năm tuổi

Trong khuôn viên rộng 9ha của Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc có khoảng trên 1.000 cây các loại, trong đó có nhiều cây có ý nghĩa và nguồn gốc từ các cá nhân, tổ chức và đơn vị khắp nơi trên cả nước đến tặng và trồng tại đây với tấm lòng tri ân, tôn kính, ngưỡng mộ cụ Phó bảng.

Đến dâng hương, tưởng nhớ tại mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, du khách có thể bắt gặp hai vườn cây kiểng quý được các đồng chí lãnh đạo Trung ương về công tác tại tỉnh Đồng Tháp và lãnh đạo địa phương trồng lưu niệm. Hai vườn kiểng này, phong phú các loai cây, được chiết xuất dạng kiểng bosai đẹp mắt, với phong phú các loại cây như nguyệt quế, mai, dã hương, sộp, sanh…

Cây sộp 330 năm tuổi

Ấn tượng hơn là sát bên vòm mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc là cây khế 291 năm tuổi và cây sộp 330 năm tuổi, được ông Ngô Văn Hay tức thầy giáo Kỳ ở làng Tân Hưng, thị xã Sa Đéc trước đây, vì mến mộ và biết ơn cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã tặng cho Khu di tích vào năm 1977. Hai cây cổ thụ này có hình dáng rất đẹp mắt, không chỉ có giá trị về mặt thẩm mỹ mà còn có giá trị ý nghĩa lịch sử. Được biết, trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp và Mỹ, khi còn được trồng trong sân nhà và vườn kiểng của thầy giáo Kỳ, gia đình thầy giáo Kỳ đã đào hầm bí mật dưới 2 gốc cây này để nuôi giấu cán bộ cách mạng mà địch không thể phát hiện.

Bao quanh mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc còn có nhiều loại cây hoa kiểng khác được nhân dân khắp mọi miền đất nước mang đến trồng và tặng lại Khu di tích để tạo bóng mát và không khí trong lành.

Rời vòm mộ cụ, ta tiến đến nhà sàn của Bác Hồ nằm trong khuôn viên Khu di tích bắt gặp một số cây xanh và cảnh quan quanh nhà sàn được phục dựng giống như ở Phủ Chủ tịch như hàng rào râm bụt, những khóm hoa lài với bông hoa màu trắng có hương thơm mát dịu mà Bác rất thích. Trước nhà là hai cây dừa miền Nam xanh tốt, trĩu quả mà lúc sinh thời Bác thường tự tay mình chăm sóc rất chu đáo, luôn chăm cho hai cây lớn đều như ngầm xem đây là biểu tượng của 2 miền Nam Bắc.

Hai cây dừa xanh tốt, trĩu quả trước nhà sàn Bác

Bên cạnh đó, trong khuôn viên Khu di tích còn có một số cây xanh và cổ thụ được chiết từ nguồn gien của các cây có ý nghĩa với lịch sử với dân tộc Việt Nam cũng được các đơn vị, địa phương mang đến trồng như cây đa Tân Trào – một biểu tượng của cách mạng, của Thủ đô kháng chiến. Ngày nay, du khách đến tham quan Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc thường dừng chân nghỉ ngơi khi tham quan Khu di tích dưới gốc cây đa Tân Trào, đây cùng là nơi sinh hoạt truyền thống về nguồn hết sức ý nghĩa. Cạnh đó, hai khóm trúc Pác Bó, là loài cây tiêu biểu cho vùng đất căn cứ địa cách mạng cũng được trồng lại góp phần làm đẹp cảnh quan nơi đây. Đặc biệt tại Khu di tích trồng cây bàng trái vuông – một loài cây đã gắn liền với mảnh đất xa xôi và thiêng liêng – Trường Sa, biển đảo quê hương của Tổ quốc được Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân nhân dân Việt Nam trao tặng.

Đường vào làng Hòa An xưa

Trong Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc rợp bóng mát các cây xanh đặc trưng của các địa phương vùng miền phủ kín đã tạo nên phong cảnh nông thôn Nam bộ đậm nét, đơn sơ mộc mạc đầy thi vị mà một góc làng Hòa An xưa được tái hiện trong khuôn viên Khu di tích – nơi cụ Nguyễn Sinh Sắc an nghỉ. Nhiều loại cây ăn trái, giàn bầu, giàn mướp được trồng bao quanh năm, phát triển tươi tốt đã tạo nên một không gian bao la xanh mát, một khung cảnh làng Hòa An hiền hòa, thơ mộng như muốn níu chân du khách gần xa mỗi khi có dịp tham quan Khu di tích./.

Nguyễn Toàn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Zalo

viVietnamese