Không phải là vùng đất thế mạnh để phát triển cây nho nhưng đến với Đồng Tháp hôm nay, du khách không khó bắt gặp những vườn nho trĩu quả như tại thủ phủ nho Ninh Thuận. Đây là thành quả của những nông dân dám suy nghĩ và hành động để biến những ruộng lúa kém hiệu quả trở thành những vườn nho trĩu quả ngọt lành.

Vườn nho của ông Dương Phước Hùng đang chín rộ, thu hút du khách đến tham quan

Dám nghĩ dám làm

Vào những năm trước, ít nông dân dám bỏ hàng trăm triệu đồng để đầu tư trồng nho. Bởi số tiền đầu tư không hề nhỏ trong khi việc trồng nho trên vùng đất đồng bằng chưa chắc mang lại hiệu quả kinh tế như mong đợi. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Tuấn ở ấp Long Bình, xã Long Khánh B, huyện Hồng Ngự mạnh dạn bỏ vốn để đầu tư trồng 1,3ha nho. Chính nhờ sự táo bạo trong việc lựa chọn cây nho để canh tác đã mang lại thu nhập ổn định cho ông Tuấn với khoảng vài trăm triệu đồng mỗi năm.

Theo ông Tuấn, hiện vườn nho của ông có 1.400 gốc giống NH01-152 (còn gọi là nho 3 màu). Đến nay, vườn nho của ông Tuấn được hơn 1 năm, bình quân cho thu hoạch từ 2-2,5 tấn/1.000m2 (2 vụ/năm). Đặc biệt, việc kết hợp khai thác du lịch sinh thái cho du khách tham quan giúp tăng thêm thu nhập từ nho gấp 2,3 lần so với trồng lúa.

Với sự thành công từ mô hình, không ít người dân trong tỉnh đến tận vườn nho của ông Tuấn tham quan, ngắm cảnh, thưởng thức nho ngay tại vườn và học tập cách trồng giống nho độc đáo này.

“Kết duyên” với cây nho

Cách đây hơn 1 năm, khi việc chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái nở rộ nên ông Dương Phước Hùng (ấp 3, xã Mỹ Ngãi, TP.Cao Lãnh) bắt đầu hình thành ý tưởng trồng cây ăn trái kết hợp làm du lịch. Trong lúc đang loay hoay tìm cây trồng thích hợp, tình cờ trong một lần đi du lịch tại Ninh Thuận thấy những vườn nho trĩu quả, đẹp mắt, ông Hùng rất thích và quyết định “kết duyên” với cây trồng này. Ông đã quyết định cải tạo 6.000m2 đất (chia làm 2 khu) và mua cây nho về trồng thử. “Qua tham khảo, loại nho ở Ninh Thuận cũng dễ trồng, lại được nhiều người sử dụng. Đặc biệt, khi trái chín đỏ đan xen với màu xanh của lá nhìn rất đẹp và ấn tượng, khi chụp ảnh, quay phim nhìn càng đẹp hơn” – ông Hùng giải thích về lý do lựa chọn cây nho để trồng.

Đến nay, sau hơn 1 năm trồng, chăm sóc, cây nho sinh trưởng nhanh. Hiện vườn nho 2.000m2 của ông (gồm 4 loại giống 152 – nho móng tay đỏ, giống 126 – nho kẹo, nho hạ đen, nho 3 màu) bắt đầu cho trái. Định hướng sản xuất kết hợp du lịch nên ông Hùng mở cửa đón khách du lịch đến tham quan, chụp ảnh. Hiện tại, du khách được tham quan vườn nho miễn phí, khách có nhu cầu mua nho thì ông hái bán theo giá thị trường. “Do năm đầu mở cửa, cơ sở vật chất phục vụ chưa đầy đủ nên gia đình quyết định chưa thu tiền vé. Khi cơ sở vật chất hoàn chỉnh, phục vụ du khách được chu đáo, điểm du lịch sẽ thu tiền vé và không để du khách thất vọng”, ông Hùng nói.

Do “tiếng lành đồn xa” vườn nho của ông Hùng ngày càng được nhiều du khách trên địa bàn tỉnh tìm đến tham quan. Ngoài vườn nho 2.000m2, ông Hùng còn một vườn nho 4.000m2 đang bắt đầu cho trái, hứa hẹn sẽ không làm du khách thất vọng. Bên cạnh đó, trên diện tích 24.000m2 cùng thửa cũng được ông trồng thêm một số loại cây khác như dâu tằm, lựu, bưởi; đào ao thả cá cho điểm du lịch thêm nhiều dịch vụ phong phú, đa dạng nhằm thu hút khách du lịch đến tham quan, góp phần nâng cao thu nhập.

Nho lên chậu hút khách

Với mong muốn làm giàu trên mảnh đất quê hương, anh Lê Hồng Xuân ở xã Tân Thuận Đông, TP.Cao Lãnh mạnh dạn chặt bỏ 1.000m2 xoài, mãng cầu để trồng 200 gốc nho đỏ xứ Ninh Thuận. Qua thời gian đầu khó khăn, đến nay, vườn nho của anh Xuân bén rễ và phát triển rất tốt.

Chia sẻ về ý định táo bạo này, anh Xuân cho biết: “Nói thật, lúc đầu bỏ xoài, mãng cầu qua canh tác nho tôi cũng rất lo lắng, sợ cây trồng này không thể phát triển được trên quê hương. Nếu thất bại sẽ là thiệt hại rất lớn, vì vốn đầu tư cho cây trồng này khá cao, khoảng 55 – 60 triệu đồng/công. Tuy nhiên, nhờ sự động viên của gia đình và sự hỗ trợ từ sách báo, tôi mạnh dạn thực hiện và kết quả mang lại khá tốt. Hiện vườn nho 1 năm tuổi của tôi phát triển rất tốt. Tôi dự định sẽ để trái và đầu tư cơ sở để làm du lịch”.

Mặc dù mới thử nghiệm trồng nho hơn 1 năm nhưng nhờ sự chịu khó, ham học hỏi, anh Xuân đã thử nghiệm thành công “nho lên chậu” để phục vụ cho khách hàng. Dịp Tết Nguyên đán năm 2021, gần 50 chậu nho Tết trĩu quả của anh Xuân được trưng bày tại Chợ Hoa xuân Cao Lãnh thu hút rất đông lượng khách đến tham quan chụp ảnh. Định hướng trong thời gian tới, anh Xuân sẽ mở rộng việc đưa nho và cây trồng khác lên chậu nhằm thỏa chí đam mê, góp phần tăng giá trị cây trồng tỉnh nhà.

Có thể thấy, việc người dân Đồng Tháp mạnh dạn chuyển sang trồng cây nho vừa để phát triển kinh tế vừa tạo những nét độc đáo hơn cho du lịch vùng Đất Sen hồng…

MN

https://baomoi.com/nhung-vuon-nho-triu-qua-tren-dat-sen-hong/c/38990274.epi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Zalo

viVietnamese